Chương trình giảng dạy song ngữ Anh-Việt ở California
21/05/2023
VOA
>
Học khu đông người Việt ở California nhận giải thưởng danh giá về giáo dục song ngữ Anh - Việt
Hiệu trưởng, thầy và trò trường tiểu học DeMille thuộc học khu Westminster của tiểu bang California, nơi có đông người gốc Việt sinh sống, sáng sớm ngày 10 Tháng 5, 2023 chuẩn bị tươm tất trong những tà áo dài và trang phục mang đậm nét dân tộc Việt Nam để chào đón các giới chức giáo dục trong học khu và phụ huynh.
Học sinh từ mẫu giáo đến lớp 6 đã tập hát, xây dựng khán đài, tự mang ghế ra sân trường, và tự viết diễn văn bằng tiếng Việt-tiếng Anh để chào đón ngày này, ngày mà Hiệp hội Giáo dục Song ngữ của tiểu bang California trao giải thưởng CABE-Huy chương Xuất sắc 2023 cho trường.
Đây là một giải thưởng danh giá dành cho những trường có chương trình giảng dạy song ngữ ở California. Chỉ có 5 trường mỗi năm trên toàn tiểu bang được trao huy chương này, và DeMille là trường có chương trình song ngữ Anh-Việt đầu tiên nhận giải thưởng này.
Vùng Little Saigon ở Nam California có ba học khu công lập giảng dạy chương trình song ngữ Anh-Việt chính quy theo mô hình hòa nhập 50-50, kết hợp với giáo trình của tiểu bang. Đó là học khu Westminster, học khu Garden Grove, và học khu Anaheim.
Hành trình đưa giáo trình song ngữ vào các học khu công lập ở California
Năm 1998, hơn 60 phần trăm cư dân California thông qua dự luật 227 với lá phiếu của mình, giới hạn các chương trình giảng dạy song ngữ trên toàn tiểu bang, chỉ chú trọng vào các giáo trình dạy bằng Anh ngữ. Phụ huynh nào muốn con em mình được học trong môi trường song ngữ phải ký đơn ghi danh “vào chương trình.” Điều này hầu như dập tắt các nỗ lực đưa chương trình song ngữ vào các trường công lập trong hơn 18 năm.
Cho tới năm 2016, dự luật 58 được hơn 72 phần trăm cử tri California ủng hộ thông qua, và phá bỏ các ràng buộc của dự luật 227, tái lập chương trình song ngữ trên toàn tiểu bang California.
Vì vậy, quá trình đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy chính quy của tiểu bang California là một nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng cư dân gốc Việt tại đây.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch ban đại diện các trung tâm Việt ngữ vùng Nam California, hay Liên hiệp Các trường Việt ngữ hải ngoại, một tổ chức với khoảng một ngàn thầy cô thiện nguyện dạy Việt ngữ trên toàn nước Mỹ, chia sẻ với VOA:
“Chính cái ngôn ngữ nó dẫn dắt vào cái văn hoá, giữ được cái sự liên kết trong cộng đồng…và chương trình tình nguyện giảng dạy tiếng Việt trên 100 ngôi trường ở Nam California cũng là một đóng góp rất là lớn. Cái kiên trì đó tác động vào sự quan tâm của các thầy cô giáo và phụ huynh ở trong các trường công lập.”
Trước khi tiếng Việt được đưa vào các chương trình giảng dạy công lập chính quy của tiểu bang California vào khoảng năm 2016, con em trong cộng đồng người Việt ở vùng Little Saigon đã được các phụ huynh quan tâm cho học thêm tiếng Việt tại các trung tâm Việt ngữ, nhà thờ, nhà chùa trong các sinh hoạt cuối tuần.
Tiếng Việt trong sáng và tiếng Việt hội nhập
Tuy nhiên môi trường xã hội và chính trị có ảnh hưởng rất lớn vào cách giảng dạy, soạn thảo giáo án và sách giáo khoa của các chương trình song ngữ, đặc biệt là chương trình song ngữ Anh-Việt ở Nam California.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Nam California chủ yếu là những người Việt tị nạn chạy lánh cộng sản sau biến cố 30/4/1975. Họ không chỉ mang theo mình cách sống, hương vị thức ăn, tư tưởng chính trị, mà còn cả ngôn ngữ và cung cách ứng xử giao tiếp hàng ngày. Có nhiều từ vựng được sử dụng thịnh hành ở hải ngoại nhưng hầu như không còn tồn tại ở Việt Nam, và ngược lại. Điều này khiến các thầy cô dạy Việt ngữ ở Mỹ đôi khi bị ‘lấn cấn’ và buộc phải liên tục trau dồi kiến thức và học hỏi từ các bậc trưởng thượng, phụ huynh, và cộng đồng.
Cô Quỳnh Hương dạy song ngữ Anh-Việt ở trường DeMille và cũng là giáo viên đầu tiên dạy tiếng Việt chính quy tại một trường công lập ở California bày tỏ:
“Có ba cái lấn cấn. Thứ nhất là về cái ngôn ngữ thuần Việt không thì ở đây có nhiều cái mình không có hiểu hết, tại vì các cô giáo cũng lớn lên sau này và cũng học tiếng Việt không từ cái gốc. Cho nên có nhiều điều muốn hỏi về tiếng Việt. Lấn cấn thứ hai là tiếng Việt dùng ở Việt Nam và tiếng Việt dùng ở hải ngoại…Và cái lấn cấn thứ ba là giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Có những chữ tiếng Anh như vậy nhưng tiếng Việt không có thể dịch thẳng ra được. Có một phương cách học mới gọi là “Translanguaging.” Nhờ sự hỗ trợ của CABE, họ đưa ra một phương cách là liên kết giữa tiếng Anh và tiếng Việt, để cho mình thấy tiếng Anh có đặc điểm gì, tiếng Việt có đặc điểm gì, mình nối nó lại với nhau.”
Theo nghiên cứu, phương cách “Translanguaging” này giúp các em học sinh nhạy bén hơn khi hoàn thành bài tập, phát triển nhanh hơn trong hai môn toán và đọc, cũng như có nhiều từ vựng và năng động hơn trong lớp học.
Ngôn ngữ và con người có điểm chung là đều thay đổi theo thời gian. Cùng với làn sóng người Việt di dân sang Mỹ từ thập niên 2000 và sự phát triển của mạng xã hội, giao lưu giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại có phần uyển chuyển hơn. Tiếng Việt mà các thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ sau này sử dụng cũng được cập nhật hóa và hoà nhập hơn với tiếng Việt trong nước.
Khó khăn của phụ huynh học sinh
Dù theo học trường công lập từ mẫu giáo tới lớp 12 ở Mỹ là hoàn toàn miễn phí và giáo viên dạy chương trình song ngữ phải có bằng cử nhân, văn bằng sư phạm và chứng chỉ ngôn ngữ, nhưng không phải trường nào cũng giảng dạy song ngữ.
Trong số 17 trường cấp một và cấp hai ở học khu Westminster, chỉ có trường DeMille có chương trình giảng dạy song ngữ Anh-Việt. Cho nên, phụ huynh từ các thành phố cách xa trường có chương trình song ngữ phải nỗ lực để con em mình được đào tạo trong môi trường đa văn hoá, đa ngôn ngữ.
Ông Tạ Khôi, một phụ huynh của trường tiểu học Demille, cho biết:
“Chương trình song ngữ này là ở một trường công lập, và mở cửa cho tất cả mọi người. Khoảng 30 phần trăm các em ở đây là tới từ những thành phố khác. Cá nhân chúng tôi tới từ Anaheim.Có phụ huynh đến từ Orange, Los Angeles, Irvine…nên một trong những cái quan tâm là phụ huynh phải lái xe đưa mấy em tới mỗi buổi sáng và phải đón mấy em về. Thành ra phải có sự hỗ trợ để giúp đỡ lẫn nhau và củng cố chương trình.”
Nỗ lực gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng gốc Việt
Giáo dục con em nên người là công sức của cả cộng đồng giáo viên, phụ huynh, nhà trường và xã hội. Chương trình song ngữ Anh-Việt tại vùng Little Saigon được nhận huy chương xuất sắc từ Hiệp hội Song ngữ CABE của California là một vinh dự lớn không những cho học khu Westminster mà cho cả cộng đồng gốc Việt ở Nam California.
Hiện tại, California có khoảng 1,13 triệu học sinh tại các trường công lập có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh, chiếm khoảng 19% tổng số học sinh đang học tại các trường công lập.
Tiếng Việt là ngôn ngữ thịnh hành thứ ba tại Hoa Kỳ, sau tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa, theo kết quả thống kê dân số năm 2020.
California có hơn 200 ngôn ngữ được sử dụng trong tiểu bang này.