Anh, Ý, Nhật hợp tác phát triển phi cơ chiến đấu mới
Jonathan Beale
Phóng viên Quân sự, BBC News
Hình ảnh mô tả một chiếc chiến đấu cơ mới trên bầu trời
Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa tuyên bố một kế hoạch hợp tác giữa Anh, Ý và Nhật để phát triển một loại máy bay chiến đấu mới sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Ông Sunak nói dự án này nhằm tạo ra hàng ngàn việc làm ở Anh và tăng cường hợp tác an ninh. Ba quốc gia sẽ cùng phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới - dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa những năm 2030 - và sẽ dần thay thế phi cơ Typhoon.
Loại phi cơ mới, mang tên Tempest, được trông đợi sẽ trang bị các loại vũ khí tối tân nhất.
Ông Sunak nói chương trình hợp tác này sẽ "giữ cho nước Anh an toàn khỏi các mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt" khi ông tới thăm Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh ở Coningsby, hạt Lincolnshire hôm thứ Sáu.
Ông nói: "Chúng ta là một trong ít quốc gia trên thế giới có khả năng phát triển phi cơ chiến đấu có công nghệ tiên tiến".
Việc phát triển phi cơ mới đã bắt đầu - với mục tiêu tạo ra một phi cơ chiến đấu có khả năng tàng hình nhanh, sử dụng các bộ cảm biến tối tân và cả trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ phi công khi họ bị quá tải, hoặc trong điều kiện họ chịu áp lực quá cao.
Phi cơ này cũng có thể bay mà không cần phi công khi cần thiết và có thể bắn tên lửa siêu thanh.
Nhưng phát triển một loại phi cơ phức tạp như vậy là hết sức tốn kém - chẳng hạn phát triển phi cơ F35 là chương trình tốn kém nhất mà Lầu Năm Góc từng thực hiện. Vì thế Anh đã tìm kiếm các đối tác. Ý đã đồng ý tham gia, và giờ đây thêm Nhật, một động thái đáng kể - trong thời điểm mà Anh đang xây dựng quan hệ mật thiết hơn với các đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và lo ngại hơn về một nước Trung Quốc ngày càng cứng rắn.
Các quốc gia khác vẫn có thể cùng tham gia dự án này.
Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang cùng nhau phát triển một dự án tương tự với thiết kế riêng, và Hoa Kỳ cũng vậy.
Các hãng BAE Systems và Samlesbury của Anh sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết kế chiếc Tempest ở Anh.
Mitsubishi Heavy Industries của Nhật và Leonardo của Ý là các hãng khác cùng tham gia.
Với Anh, thỏa thuận này không chỉ là về an ninh mà còn về kinh tế. Anh hy vọng rằng việc phát triển loại chiến đấu cơ mới có thể tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm ở Anh và mở cửa cho việc xuất khẩu thêm vũ khí.