Ngoại trưởng Đức sẽ thể hiện lập trường nào đối với Trung Quốc?
Ngoại trưởng Đức sẽ bắt đầu chuyến công du Trung Quốc vào hôm nay thứ Năm 13/04, với mục tiêu tái khẳng định một chính sách chung của Liên minh châu Âu đối với Bắc Kinh.
Chuyến đi của bà Annalena Baerbock diễn ra chỉ vài ngày sau phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thể hiện sự không thống nhất trong cách tiếp cận của châu Âu đối với siêu cường châu Á đang trỗi dậy.
Ông Macron đã khiến Mỹ và châu Âu phải đáp trả khi kêu gọi Liên minh châu Âu phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và cảnh báo việc lục địa này bị lôi vào một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan.
"Câu hỏi mà người dân châu Âu nên trả lời... có phải là lợi ích của chúng ta khi đẩy nhanh [một cuộc khủng hoảng] ở Đài Loan. Câu trả lời là không. Điều tồi tệ hơn là nghĩ rằng người châu Âu phải trở thành những người theo dõi chủ đề này và lắng nghe tín hiệu từ chương trình nghị sự của Mỹ và phản ứng thái quá của Trung Quốc," trang Politico trích dẫn lời ông Macron vào ngày 09/04.
Nhiều chính trị gia châu Âu, nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng những bình luận của ông Macron trong cuộc phỏng vấn với Politico và nhật báo Les Echos là một món quà dành cho mục tiêu của Bắc Kinh nhằm chia rẽ sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.
Theo đó, các chuyên gia nhận định chuyến đi của Ngoại trưởng Đức đến Trung Quốc làm gia tăng rủi ro và nhiều thành viên trong EU hy vọng Berlin sẽ tận dụng cơ hội này để đưa ra một đường lối rõ ràng và đoàn kết của EU đối với Trung Quốc.
Ông Macron được xem đã có lập trường yếu ớt liên quan đến Đài Loan bằng cách cảnh báo châu Âu không nên "bị mắc kẹt trong các cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta" - mặc dù Điện Elysée khẳng định đây không phải là dụng ý của ông ấy và lập trường của ông Macron liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc vẫn không thay đổi.
"Hiện nay vấn đề là về kiểm soát tổn thất lên đến cấp độ cao... Thế nhưng chuyến đi của ông Macron đã phủ bóng rất lớn và vẫn không rõ là sự cân bằng này cuối cùng sẽ như thế nào," Alicja Bachulska, một nhà nghiên cứu quan hệ EU-Trung Quốc từ European Council on Foreign Relations ở Warsaw trả lời Reuters.
Thậm chí nếu không có những bình luận trước đó của ông Macron thì chuyến đi Trung Quốc lần này cũng đòi hỏi sự cẩn trọng đối với bà Baerbock, người vốn có lập trường mang tính diều hâu về Trung Quốc hơn Thủ tướng Olaf Scholz và cũng đang soạn thảo một chính sách Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Đức đối với Bắc Kinh.
"Bà ấy đại khái được xem như một người gây rắc rối. Tôi ngạc nhiên nếu vấn đề này đóng vai trò trong chuyến công du của bà ấy," Tim Ruehlig, chuyên gia Trung Quốc từ German Council on Foreign Relations trả lời Reuters.
Bà Baerbock hiện nay phải cho thấy lập trường rõ ràng của Đức về Đài Loan trong suốt chuyến đi, nghị sĩ quốc hội về chính sách ngoại giao của Đức Nils Schmid trả lời Reuters, và cho biết thêm những bình luận của ông Macron đã làm tổn hại đến một động lực được kỳ vọng về chính sách chung của châu Âu đối với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Đức dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc, Tần Cương và nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, ông Vương Nghị trong chuyến đi kéo dài hai ngày.
Phát biểu trước chuyến đi, bà Baerbock cho biết đứng đầu chương trình nghị sự của bà sẽ là gợi nhắc Trung Quốc về nghĩa vụ phải gây sự ảnh hưởng lên Nga nhằm chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine và nhấn mạnh đến một lập trường chung của châu Âu rằng sự thay đổi đơn phương đối với nguyên trạng ở eo biển Đài Loan sẽ không thể chấp nhận được.
Quan điểm của châu Âu về Trung Quốc là một đối tác, đối thủ và đối địch mang tính hệ thống là kim chỉ nam trong chính sách của minh, bà Baerbock cho biết thêm.
"Một điều rõ ràng với tôi là chúng tôi không quan tâm đến chuyện tách biệt [Trung Quốc] về mặt kinh tế... nhưng chúng tôi sẽ có một cái nhìn mang tính hệ thống hơn về những rủi ro đối với các phụ thuộc một bên và giảm thiểu chúng," bà Baerbock nói.
Một số quốc gia thuộc EU - đặc biệt ở Trung và Đông Âu, vốn có mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, kỳ vọng lập trường của bà Baerbock gần hơn với quan điểm đưa ra bởi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người đã cùng ông Macron đến Bắc Kinh.
Nhiều nhà phân tích cũng cho thấy sự tương phản giữa những bình luận của ông Macron với bà Ursula von der Leyen, vốn được coi là chỉ trích Bắc Kinh nhiều hơn. Chỉ vài ngày trước chuyến đi, bà Ursula von der Leyen cho rằng châu Âu phải "giảm nguy cơ" về mặt ngoại giao và kinh tế với một Trung Quốc đang ngày càng muốn xác lập vị thế.
"Định hướng của bà ấy nên mang tính Ursula von der Leyen hơn là Macron," một nhà lập pháp về ngoại giao thuộc phe bảo thủ Johann Wadephul, người sẽ cùng đi với bà Baerbock đến Đức trả lời Reuters.