Cuộc thanh trừng gần đây của TQ có gây tổn hại cho Tập Cận Bình?
22 tháng 9 2023
BBC News
Sự biến mất của các quan chức có thể được coi là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn trong khả năng lãnh đạo của Tập, hoặc phô diễn quyền lực của mình ?
Họ từng được Tập tin tưởng và ưu ái. Nay, họ dường như đang biến mất.
Trong những tháng qua, sự biến mất của một số quan chức cấp cao Trung Quốc đã làm dấy lên đồn đoán dữ dội về việc liệu có phải Tập đang thực hiện một cuộc thanh trừng, đặc biệt là đối với những người có liên quan đến quân đội.
Người mới đây nhất bị thất sủng là Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người đã không xuất hiện công khai vài tuần nay.
Dù sự vắng mặt của ông ban đầu không được nhìn nhận là có gì bất thường, chú ý của dư luận ngày càng tăng khi một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ chỉ ra điều này. Một bài báo của Reuters nói rằng ông Lý, người từng giám sát việc mua vũ khí cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đang bị điều tra về việc mua bán các trang thiết bị quân sự.
Ông Lý 'biến mất' vài tuần sau khi hai quan chức hàng đầu trong Lực lượng tên lửa - một lực lượng quân sự phụ trách tên lửa hạt nhân - và một thẩm phán tòa án quân sự bị mất chức. Các tin đồn lan đi rằng một số quan chức trong Quân ủy Trung ương ĐCS Trung Quốc (CCP), cơ quan kiểm soát các lực lượng vũ trang, cũng đang bị điều tra.
Rất ít hoặc không có lời giải thích chính thức nào được đưa ra về việc vì sao họ bị mất chức, bên cạnh "lý do sức khỏe". Với những sự mập mờ này, các tin đồn đã nở rộ.
Giả thuyết chính là giới chức đang trấn áp nạn tham nhũng trong PLA. Quân đội đã được cảnh báo cao độ - vào tháng Bảy họ đã đưa ra một lời kêu gọi bất thường yêu cầu công chúng cung cấp thông tin về tình trạng tham nhũng trong vòng năm năm qua. Ông Tập cũng tiến hành một đợt thanh tra mới, đi khắp đất nước và thực hiện năm chuyến thăm tới các căn cứ quân sự vào tháng Tư, theo kiểm tra của BBC Monitoring.
Tham nhũng từ lâu đã là một vấn đề trong quân đội, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tự do hóa nền kinh tế trong những năm 1970, theo James Char, một nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Nanyang của Singapore.
Mỗi năm, Trung Quốc chi hơn một ngàn tỷ nhân dân tệ cho quân đội, một phần trong số này dành cho các giao dịch mua sắm, mà vì lý do an ninh quốc gia không thể được tiết lộ đầy đủ. Sự thiếu minh bạch này càng trở nên phức tạp hơn bởi hệ thống độc đảng của Trung Quốc.
Không giống với kiểu giám sát công khai mà quân đội các nước khác phải chịu, quân đội vũ trang Trung Quốc được ĐCS Trung Quốc độc quyền giám sát, TS Char nói.
Mặc dù Tập giành một số thắng lợi trong việc kiềm chế tham nhũng trong lực lượng vũ trang và khôi phục danh tiếng của lực lượng này ở một mức độ nhất định, "nhổ tận gốc tham nhũng là một công việc khó khăn nếu không nói là không thể" bởi nó đòi hỏi "việc thiết kế lại một cách hệ thống mà tôi e rằng chính phủ độc tài này phản đối," TS Char nói thêm.
"Cho tới khi chính quyền ĐCS Trung Quốc sẵn sàng áp dụng một hệ thống pháp lý phù hợp không còn bị trừng phạt bởi chính nó, những cuộc thanh trừng này sẽ tiếp tục xuất hiện."
Nhưng những sự biến mất này cũng có thể được coi là nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc ngày càng hoang tưởng khi họ lèo lái mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.
Vào tháng Bảy, một luật chống phản gián mở rộng có hiệu lực ở Trung Quốc, trao cho giới chức quyền lực lớn hơn và được thực hiện các cuộc điều tra. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công khai khuyến khích công dân giúp họ chống lại các hoạt động gián điệp.
Sự biến mất của tướng Lý lặp lại điều đã xảy ra trước đó với Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương. Việc ông Tần mất chức hồi tháng Bảy cũng khiến các đồn đoán lên đến đỉnh điểm. Tuần này, Wall Street Journal đưa tin ông Tần đang bị điều tra về cáo buộc ngoại tình và có con riêng sinh ở Mỹ.
"Ngoại tình không phải là vấn đề lớn trong giới thượng lưu [Đảng Cộng sản], nhưng ngoại tình với người bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo nước ngoài và có con mang hộ chiếu của nước đối thủ địa chính trị chính, nếu không phải là kẻ thù, giờ có thể là vấn đề," nhà phân tích Trung Quốc, ông Bill Bishop nói.
Ngoài ra còn có đồn đoán rằng ôgn Tập thực hiện cuộc thanh trừng này dưới áp lực trong nội bộ đảng để 'dọn dẹp' bộ máy, khi Trung Quốc vật lộn với nền kinh tế tăng trưởng chậm hậu Covid và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng. Dưới hệ thống chính trị Trung Quốc, ông Tập không chỉ là chủ tịch nước mà còn là nhà lãnh đạo cao nhất của quân đội.
Nhìn ở một góc độ, sự biến mất của các quan chức Trung Quốc là một dấu hiệu của sự bất ổn trong vai trò lãnh đạo của ông Tập. Các nhà quan sát nhận ra thực tế là Tướng Lý và ông Tần, những người không chỉ là bộ trường mà còn giữ các vị trí cao cấp khác như Ủy viên Quốc vụ viện, từng được ông Tập sủng ái. Việc họ bất ngờ thất sủng, vì vậy, được xem là một sự thiếu phán đoán của Tập Cận Bình.
Nếu nhìn những sự biến mất này là một cuộc thanh trừng chính trị, thì thực tế của việc Tập đã phải thực hiện nó quá sớm sau khi củng cố quyền lực tại Đại hội Đảng toàn quốc vào năm ngoái, khi ông đã vô hiệu hóa thành công các phe phái đối lập tiềm năng và tập hợp các ủy ban chủ chốt với các đồng mình của mình, trông rất tệ.
Nhưng nhìn dưới các góc độ khác, thì nó là một sô diễn phô trương sức mạnh của Tập. Là con trai một quan chức ĐCS Trung Quốc bị thanh trừng, ông Tập nổi tiếng với các cuộc trấn áp tham nhũng công khai - vốn cũng đóng vai trò như các cuộc thanh trừng chính trị nhằm diệt tận gốc các kẻ thù của ông, các nhà quan sát nói.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, không lãnh đạo Trung Quốc nào thực hiện các cuộc trấn áp ở quy mô như Tập. Ước tính hàng ngàn cán bộ đã bị mất chức trong những năm qua, và chúng gây ảnh hưởng, áp lực lên cả các quan chức cấp cao và cấp thấp với chiến dịch 'săn hổ' được phát động ngay sau khi ông nhậm chức năm 2012.
Năm 2017, Tập nhắm vào lực lượng vũ trang và đã cách chức hơn 100 nhân viên cấp cao. Khi đó, Tân Hoa Xã nói trong bài báo rằng con số này "còn lớn hơn nhiều con số tướng bị chết trong các cuộc chiến vốn đã tạo ra một Trung Quốc mới".
Nhưng câu hỏi lớn là các vụ biến mất này đưa ra tín hiệu gì, và chúng có ảnh hưởng gì.
Các nhà quan sát nói rằng chúng có thể tạo ra bầu không khí sợ hãi trong quân đội và chính phủ. Dù điều này có thể là kết quả dự kiến nhằm đảm bảo sự tuân thủ, nó cũng có có tác dụng làm mất tinh thần. Nhiều năm nhổ tận gốc một cách có hệ thống những người bị thất sủng và bổ sung các chức vụ hàng đầu bởi những người ủng hộ mình có thể có nghĩa rằng ông Tập đã tập hợp quanh mình những người luôn ủng hộ ông. Nguy cơ của tư duy tập thể là 'sự bất ổn thực sự' trong khả năng lãnh đạo của ông Tập, khi nó có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, TS Char lưu ý.
Các sự biến mất này xảy ra trong giai đoạn gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Trung Quốc đưa thêm tàu chiến và phản lực tới vùng biển này trong các tuần gần đây. Bất cứ sự gián đoạn nào trong đối thoại về chính sách quân sự và ngoại giao quốc phòng có thể "đặc biệt đáng lo ngại' khi 'các tai nạn có thể xảy ra và quản lý sự leo thang có thể trở nên thách thức hơn," Ian Chong, một nhà nghiên cứu từ viện Carnegie China, nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đủ mạnh để để chống lại sự thay thế một số quan chức hàng đầu, và chỉ ra rằng việc này đã được thực hiện thận trọng để không xảy ra xung đột.
Vẫn có mốt số ý kiến cho rằng những sự biến mất này không thể có ảnh hưởng lâu dài lên khả năng lãnh đạo ổn định của Tập.
Không cán bộ nào bị nhắm tới cho tới nay là thành viên thuộc nhóm thân cận của ông Tập, theo Neil Thomas, một chuyên gia về chính trị của giới thượng lưu Trung Quốc tại Viện Chính sách Xa hội châu Á.
Điều mà hầu hết các nhà quan sát có thể đồng ý là những sự cố này làm nổi bật sự mờ ám của hệ thống Trung Quốc. Tiến sĩ Chong lưu ý: "Nó đặt ra các câu hỏi sắc bén hơn về tính liên tục của việc thực hiện chính sách và độ tin cậy của bất kỳ lời hứa hoặc đảm bảo nào ở cấp độ công việc".
Cuối cùng thì, sự biến mất của các quan chức này đã gây ra một 'sự bất an'.