Kỳ 1: Báo chí Việt Nam có đang chịu cảnh một cổ 'ba bốn tròng'?
10 tháng 5 năm 2023
BBC
Mới đây, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố bảng xếp hạng tự do báo chí, Việt Nam đã tụt hạng gần "đội sổ" khi xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới.
Đứng sau Việt Nam là Trung Quốc (179/180) và Bắc Hàn đứng cuối bảng (180/180). Đây là mức thấp nhất mà Việt Nam bị xếp loại kể từ khi RSF công bố bảng xếp hạng hàng năm từ 2002 đến nay.
Theo số liệu thống kê từ RSF, tới nay tại Việt Nam, có hơn 40 nhà báo bị giam giữ. Nổi bật nhất là bà Phạm Đoan Trang, người có nhiều giải thưởng báo chí, hiện thụ án 9 năm với tội danh 'Tuyên truyền chống nhà nước'.
Trong bài viết này, BBC sẽ phân tích hệ thống quản lý báo chí ở Việt Nam, về cơ chế kiểm duyệt lẫn tự kiểm duyệt trong các tòa soạn và cách biến báo chí thành công cụ tuyên truyền trong bối cảnh mạng xã hội lan rộng.
Hệ thống quản lý báo chí ở Việt Nam nhìn chung khá chồng chéo và rắc rối.
Một cơ quan báo chí có thể chịu cảnh "một cổ ba bốn tròng" từ Đảng Cộng sản Việt Nam, chính quyền các cấp, bộ ngành và cơ quan chủ quản.
Ở đây chưa kể còn một "tròng" doanh nghiệp được "kết bằng tiền", bằng những hợp đồng quảng cáo có giá trị cũng có thể ảnh hưởng đến nội dung báo chí nhưng vì phi chính thức nên chưa đề cập ở đây.
Đảng - quyền lực tối thượng
Luật báo chí 2016 viết: "Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân."
Có thể hiểu, ở quốc gia độc đảng như Việt Nam thì quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam là tối thượng, Đảng quản lý về nhiều mặt và bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Đầu tiên là về con người, để ngồi ở vị trí cấp cao trong một tòa soạn như Tổng Biên tập thì các nhà báo này đều phải là đảng viên.
Năm 2018, làng báo Việt Nam chấn động khi báo Thanh Niên cho thôi chức 13 nhà báo lúc bấy giờ nắm giữ vị trí trưởng ban, phó ban hoặc tương đương.
Một nguồn tin ở TP HCM thời điểm ấy nói với BBC rằng, sự việc trên dẫn đến tình trạng "Ban Văn nghệ của báo Thanh Niên hiện thiếu cả trưởng và phó ban vì không có ai là đảng viên cộng sản".
Những nhà báo là đảng viên thường phải chấp hành các điều lệ của đảng, các quy định và nguyên tắc của đảng, tuân theo nghị quyết đại hội đảng, sự phân công của Đảng.
Họ cũng phải học tập nghị quyết, phải họp hành cập nhật những chỉ đạo mới.
Ngoài ra, sự hiện diện của Đảng còn là ở những người, những vị trí, các ban bệ khác rất cụ thể như bí thư đảng bộ, đảng bộ, chi bộ… Các cuộc sinh hoạt đảng thường có bỏ phiếu tín nhiệm, phê bình và tự phê bình.
Vì vậy, nếu bị chi bộ, đảng bộ phê bình thì các lãnh đạo này cũng khó trụ lâu nên việc siết chặt kênh được coi là "quyền lực thứ tư" này càng tối quan trọng.
"Vì Tổng Biên tập là đảng viên, phải phục tùng tổ chức, nên việc họ ấy chỉ đăng đúng chủ trương, đường lối là điều đương nhiên. Và khi Đảng đã nắm triệt để về mặt con người, cũng là khống chế về mặt nội dung," một nhà báo ẩn danh nói với BBC.
Ở Việt Nam, cơ quan cao nhất về mặt đảng quản lý nội dung báo chí là Ban Tuyên giáo. Cơ quan này quản lý báo chí thông qua các cuộc giao ban hằng ngày, hằng tuần với các đại diện từ Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin Truyền thông.
Sự chỉ đạo này có thể được thực hiện theo các hình thức:
- Công văn chỉ đạo (có thể có dấu mật);
- Gửi qua đường fax (nhưng hay bị một số nhà báo chụp hình đăng lên mạng);
- Các chỉ đạo trực tiếp trong các cuộc họp giao ban (có biên bản tóm tắt);
- Các chỉ đạo qua tin nhắn, gọi điện thoại. Cách cuối cùng này thường được sử dụng phổ biến sau này vì tính nhanh chóng. Tin nhắn được thiết kế riêng cho từng người nên ai truyền ra ngoài là biết rò rỉ từ đâu;
Ví dụ, mỗi năm tới dịp kỷ niệm ngày sinh cố Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 thì báo chí phải tuyên truyền chủ trương "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Hay gần đây, khi nhà phê bình Đặng Tiến qua đời, các báo nhận được chỉ đạo qua tin nhắn như sau:
"Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay) vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng."
BBC ghi nhận đường dẫn trên các trang như Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên Online, Phụ Nữ Online viết về sự ra đi của ông Đặng Tiến thì các đường dẫn này đã không còn khả dụng.
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm nhận định với BBC rằng, việc kiểm soát và kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam được phân chia giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
"Họ ban hành hướng dẫn cho tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước bao gồm báo in, trực tuyến, đài phát thanh và truyền hình. Tất cả các tổng biên tập và biên tập viên ở vị trí cao đều phải là đảng viên. Các nhà báo được yêu cầu tham dự các cuộc họp hàng tuần, vào thứ Ba tại Hà Nội và thứ Tư tại TP HCM, để nhận được hướng dẫn về những gì có thể và không thể triển khai."
Một nhà báo giấu tên từ Quảng Ngãi nói với BBC: "Họp giao ban xưa nay vốn là hoạt động của Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo với các báo. Sau này thì mở rộng ra tùy vào tình hình thời sự mà sẽ có đại diện từ các cơ quan khác tham gia ... Ví dụ như Bộ Ngoại giao sẽ dự họp khi có các lãnh đạo cấp cao đi công du,...Ở các địa phương, để hoạt động hiệu quả, có được tin tức nhanh thì các phóng viên phải đăng ký thường trú. Qua đó, họ cũng phải họp với Ban Tuyên giáo tỉnh về những điểm nóng, vụ việc gây tranh cãi. Tất cả đều được chỉ đạo từ trên xuống: có nên đăng thêm hay giảm bớt bài vở về vụ này, vụ kia..."
Những cánh tay nối dài 'kiểm duyệt'
Trong đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2015 ghi rõ: "Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."
Cơ quan chủ quản cũng là một tổ chức được cho là "nắm quyền sinh sát" đối với tờ báo do mình quản lý. Hầu hết báo chí Việt Nam đều là nhà nước dù một số trường hợp lách luật để làm báo tư nhân, nhưng tạm thời chưa đề cập ở đây.
Mỗi tờ báo đều nằm dưới một cơ quan chủ quản nhất định: cơ quan đó có thể là một tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước hoặc là một tổ chức đoàn thể, hội, được nuôi bằng ngân sách nhà nước: ví dụ như Hội Nhà văn thì cũng được nhà nước đổ tiền vào.
Theo Bộ Thông tin Truyền thông, Cơ quan chủ quản sẽ có quyền lực là bổ nhiệm nhân sự cấp cao như Tổng Biên tập (TBT), Phó Tổng biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn...
Các chức danh như Tổng Biên tập cần có nhiều ban bệ, gồm cả ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo, tùy theo tờ báo đó là cấp bộ, cấp vụ - đồng ý thì mới thông qua, nhưng một cách chính thức thì cơ quan chịu trách nhiệm, triển khai việc bổ nhiệm vẫn là cơ quan chủ quản.
Ví dụ như Tổng Biên tập báo Thanh Niên sẽ do Trung ương Đoàn bổ nhiệm; Tổng Biên tập báo Pháp luật TP HCM sẽ do Ủy ban nhân dân TPHCM bổ nhiệm.
"Cơ quan chủ quản có quyền bổ nhiệm thì hoàn toàn có quyền tác động tới nội dung, đường hướng của tờ báo: trước hết từ khâu chọn nhân sự, chọn người có năng lực như thế nào, lập trường như thế nào sẽ có tính quyết định đối với đường hướng phát triển của tờ báo về sau. Về sau tức là quản lý bằng họp hành, chỉ đạo," nhà báo giấu tên nói với BBC.
Bên cạnh tầng tầng lớp lớp quản lý báo chí kể trên, để kiểm soát báo chí, chính quyền còn có những công cụ khác để tăng uy lực của "vòng kim cô" này như: hệ thống luật, các văn bản quy phạm pháp luật về hoặc liên quan đến quản lý báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước, an ninh văn hóa.
Lực lượng an ninh văn hóa, Cục An ninh Thông tin truyền thông (A87) - thuộc Bộ Công an - được cho là dẫn đầu trong việc đấu tranh "không tiếng súng" trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ. Theo đó, cơ quan này quản lý hoạt động báo chí, theo dõi các nhà báo, báo cáo tình hình, tư tưởng, việc đi nước ngoài của các nhà báo.
"Họ thường tổ chức quản lý, giám sát, theo dõi theo hai kiểu: quản lý theo địa bàn và quản lý theo mảng. Bên cạnh đó, họ quản lý theo nhóm, lĩnh vực: ví dụ quản lý theo loại hình báo chí (điện tử, giấy…), quản lý theo cấp (báo trung ương, báo địa phương…)," một cựu Thư ký tòa soạn nói với BBC.
Trong vụ án Báo Sạch, năm nhà báo bị kết tội Điều 331 BLHS, Đại tá Nguyễn Tuấn Việt - Trưởng phòng An ninh Báo chí Xuất bản, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phát biểu rằng, hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí theo đúng quy định tại Luật Báo chí năm 2016.
"Các đối tượng thuộc nhóm "Báo Sạch" đã bị tước thẻ nhà báo thì không thể hoạt động như một nhà báo thông thường, mọi hoạt động lấy danh nghĩa nhà báo đều là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.
""Nhà báo độc lập", "truyền thông độc lập" là những mỹ từ mà các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao nhằm che lấp mưu đồ xấu xa với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, hoạt động báo chí, truyền thông ở Việt Nam nói riêng. Đó là lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân, vi phạm pháp luật..." tờ Quân đội Nhân dân dẫn lời ông Việt.
Không cần ngắt mạng và cấm hẳn bài hay chủ đề
Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng, trong thời kỳ internet bùng nổ, ĐCSVN đã can thiệp để kiểm soát truyền thông xã hội mà không cần ngắt mạng:
"Điều này diễn ra dưới hình thức áp dụng các điều luật có từ ngữ mơ hồ trong Bộ luật Hình sự (Điều 109, 117, 156 và 331) để trấn áp các quan điểm bị coi là thù địch với đường lối của đảng. Ngoài ra, Lực lượng 47, một đơn vị tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng, huy động hàng nghìn nhân lực để thiết lập trang web và tuyên truyền ủng hộ ĐCSVN. Lực lượng 47 cũng tấn công những cá nhân được cho là chỉ trích ĐCSVN."
Nhà văn, nhà báo Khải Đơn, người từng có kinh nghiệm được các cán bộ an ninh văn hóa "hỏi thăm" nói với BBC rằng, việc kiểm soát thông tin không phải cấm hay bỏ một đề tài mà "làm cho nó trở nên bớt quan trọng đi, thay đổi tính chất hoặc đơn giản là thay đổi hoàn toàn nhận thức của công chúng về thông tin đó".
"Ví dụ có thể thấy rõ là dịch Covid, rõ ràng việc đẩy hàng chục ngàn người lao động vào đường cùng phải chạy trốn về quê là hành vi có hệ quả vô cùng lớn với số đông dân chúng, nhưng khi đó cách kể chuyện cố ý định hướng hợp lý hoá cuộc di cư bần cùng đó đã chỉ làm nổi lên khía cạnh tình người, khó khăn, vất vả hay sự xúc động của quê hương. Họ không hề chất vấn sai phạm và sự nhẫn tâm, quan liêu của chính quyền ở các thành phố lớn, không hề yêu cầu chính quyền đó phải trả lời về hậu quả họ gây ra cho hàng chục ngàn người. Đó là định hướng và quản lý tinh vi.
"Nhiều người hay nói rằng có an ninh đi theo từng nhà báo, hay gọi điện doạ dẫm, yêu cầu tháo bài, đề nghị nhà báo không tác nghiệp bài viết đó là đáng sợ và lộng hành, nhưng tôi thấy quản lý và điều hướng thông tin ở cấp độ vĩ mô, khiến người dân mất hẳn năng lực chất vấn sai phạm mới là quyền lực đáng sợ của cái gọi là an ninh văn hoá," bà Khải Đơn đánh giá.
Giáo sư Carl Thayer nhận định rằng, về lý thuyết, Hiến pháp Việt Nam đảm bảo tự do báo chí.
"Nhưng chế độ độc đảng của Việt Nam "cai trị bằng luật pháp" thay vì "điều hành bằng luật pháp". Không có sự phân chia quyền lực ở Việt Nam giữa các nhánh chính trị bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp. Truyền thông ở Việt Nam không phải là "đẳng cấp thứ ba" độc lập (đại diện cho nhân dân) như trong các nền dân chủ tự do.
"Trong tương lai có thể thấy được, Việt Nam sẽ không có tự do báo chí tương đương với các nền dân chủ tự do. Tuy nhiên, internet và mạng xã hội sẽ tiếp tục là nơi đấu tranh giữa chế độ đảng và các nhà báo và blogger độc lập. Nền tảng trực tuyến Facebook và ứng dụng nhắn tin Zalo sẽ tiếp tục là các kênh chính để phổ biến tin tức, thông tin và ý kiến chính trị," ông kết luận.