Tin Buồn: Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng “Mùa Thu Paris!” Đã Ra Đi
Nhà thơ Cung Trầm Tưởng vừa qua đời ngày 9 Tháng Mười, tại tiểu bang Minnesota. Ông sinh năm 1932 tại Hà Nội, vào Sài Gòn năm lên 17 tuổi. Ông du học tại Pháp và Hoa Kỳ, tốt nghiệp bằng kỹ sư. Ông từng là Trung tá Không quân Quân lực VNCH.
Thi Sĩ KQ CUNG TRẦM TƯỞNG
Ông là tác giả “Một Hành Trình Thơ – 1948-2018” và nhiều người biết Ông nhất, qua bài thơ “Mùa Thu Paris” đã được Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, vừa từ biệt dương thế hôm nay! Chủ Nhật, ngày 9 tháng 10 năm 2022, lúc 4 giờ 27 chiều, giờ địa phương.
Ít Nét Tiểu Sử Về Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng
Cung Trầm Tưởng (sinh 1932), tên thật là Cung Thức Cần, là một nhà thơ hiện đại Việt Nam, cuối đời định cư ở Hoa Kỳ.
Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi (1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là Sóng Đầu Dòng.
Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup Laubat (Sau có tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Sài Gòn)
Năm 1952, sau một năm học đại học, Ông sang Pháp du học, tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence.
Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước, phục vụ trong Quân chủng Không Quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông là "Mùa thu Paris" và "Vô đề" (thơ trường thiên), xuất hiện trong tuyển tập Đất Đứng, của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc, thích thú, chú ý nhất, nổi nhất trong thời gian này!
Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn Nghệ Mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí: Sáng Tạo, Hiện Đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành...
Từ trái qua: Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên
Trong khoảng thời gian này, Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của Ông, đó là những bài "Mùa thu Paris", "Chưa bao giờ buồn thế", "Bên ni bên nớ", "Khoác kín", "Kiếp sau", "Về đây"...tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập Tình Ca của Ông, thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc! Đủ thấy thơ Ông, mọi người yêu thích như thế nào!
Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn, tiếp tục phục vụ trong Quân chủng Không Quân, với cấp bực cuối cùng là Trung tá (1975). Dưới chế độ cộng sản, ông bị bắt đưa đi cải tạo 10 năm! trong 8 trại giam và thả về với thêm 3 năm quản chế.
Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư, tại Minnesota. (Xứ 10 ngàn cái hồ!)
Tác phẩm của Cung Trầm Tưởng đã in:
•Tình ca (Nhà xuất bản. Công đàn, Sài Gòn, 1959)
•Lục bát Cung Trầm Tưởng (Nhà xuất bản. Con đuông, Sài Gòn, 1970)
•Lời viết hai tay (Nhà xuất bản. Imn, Bonn, 1994; thơ tù cải tạo)
•Bài ca níu quan tài (tác giả tự xuất bản, Minnesota, Hoa Kỳ, 2001; thơ tù cải tạo)
•Một hành trình thơ (Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Falls Church, Virginia, Hoa Kỳ, 2012)
Bên Ni Bên Nớ
Thơ: Cung Trầm Tưởng
Nhạc: Phạm Duy
Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa
Người xa vắng người, người xa vắng người…
Em có nghe rồn rã bước ai vất vả bóng ai chập chờn?
Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai tình ai ấp úng
Thương ai lạc loài, ăn mày xán lạn ngày mai
Đêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ
Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười.
Bên tê thành phố tráng lệ
Giai nhân nằm khoe lõa thể
Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô.
Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ?
Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ
Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?
Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong
Hai tâm linh giam kín lại
Bấm đốt ngón tay chờ đợi
Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời
Em ơi ngoài kia liếp ngỏ
Sương rơi ngoài song khép hở
RÂU XANH
Đến anh thì đến hôm nay,
Lỡ mai gió lật chở đầy mưa qua.
Đến anh thân thể lụa là,
Dài đuôi con mắt, ngắn tà váy kiêu.
Đến anh lưng thắt chiết yêu,
Sểnh tâm phá giới con diều ái ân.
Gót ngờ rớt chín phân vân
Để sau một hoá mười lần đến anh.
Chờ em anh để râu xanh,
Lòng xây bốn bức tường thành giam em.
Hồn anh em thắp lên xem
Ác như một chiếc lồng đèn kéo quân.
Tình anh sương giá đầy sân
Cần em mái phủ cho thân ấm nhờ.
Chuyện mình mới nửa trang thơ
Phải hai cùng viết bài thơ vẹn tình.
Chờ em anh để râu xanh.