Lục Du | Aug 9, 2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, ảnh Reuters), và Tổng Bí Thư ĐCSTC Tập Cận Bình (phải, ảnh chụp từ video)
Những diễn biến của mối quan hệ Mỹ-Trung tuần qua cho thấy, trong khi Hoa Kỳ “ra đòn” nhanh, mạnh, dứt khoát và chính xác về phía Bắc Kinh, thì ĐCSTC vẫn tiếp tục chỉ biết “múa máy” và tung những “cú đánh” vô lực về phía đối phương.
Trong bài phát biểu tại Thư viện Richard Nixon hôm 23/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ ra rằng điều mà ĐCSTC sợ nhất là sự thật, sợ hơn bất cứ kẻ thù nào của họ..
Điều mà ông Pompeo khẳng định đã được minh chứng bằng lịch sử, ĐCSTC được cho là sinh ra từ dối tra và nó cần duy hộ dối trá để tồn tại, vì thế lực lượng này luôn coi sự thật là kẻ thù lớn nhất cần phải triệt hạ.
Việc Bắc Kinh bị Hoa Kỳ và nhiều nước dân chủ cáo buộc sử dụng các công ty công nghệ như Huawei, ZTE, hay các ứng dụng TikTok hoặc WeChat để thu thập thông tin tình báo đã phản ánh phần nào phương thức tồn tại dựa vào lọc lừa và dối trá của chính quyền Trung Quốc.
Hiểu rõ vấn đề, các “đòn” tấn công của Hoa Kỳ từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền thường tập trung vào việc răn đe và ngăn chặn hành vi xuất phát từ bản chất dối trá của Bắc Kinh. Và theo thời gian, các cú “ra đòn” của chính quyền Trump về phía ĐCSTC ngày càng trở nên dồn dập hơn, khiến Bắc Kinh không khỏi “tối tăm mặt mũi”.
Tiếp tục ‘hứng đòn’
Một trong những “đòn” mạnh mẽ nhất trong tuần qua mà Hoa Kỳ giáng về phía ĐCSTC là việc Tổng thống Trump, vào thứ Năm, đã ký sắc lệnh cấm mọi thực thể thuộc Mỹ giao dịch với công ty mẹ của hai ứng dụng làm gián điệp cho Bắc Kinh là TikTok và WeChat.
Một chuyên gia bình luận với đại ý rằng, nếu các nước tự do cũng làm như Mỹ thì sẽ khiến Trung Quốc trở thành ốc đảo và phải từ bỏ tham vọng làm bá chủ Internet.
Trong hôm thứ Năm, Tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy việc sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế trong nước để tránh phải phụ thuộc vào nguồn cung các loại sản phẩm này từ Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng 10 quan chức khác của chính quyền đặc khu và Trung Quốc đại lục vì làm suy yếu quyền tự trị của hòn đảo.
Cùng ngày, Chính quyền Trump công bố kế hoạch buộc các doanh nghiệp Trung Quốc không tuân thủ các chuẩn mực kế toán của Hoa Kỳ phải huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Reuters đưa tin, Hoa Kỳ đang trong quá trình đàm phán để chuyển giao ít nhất 4 máy bay không người lái tân tiến cho Đài Loan, giúp hòn đảo thường xuyên bị Bắc Kinh dọa nạt vững tin hơn trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền.
Những ‘cú đánh phủi bụi’
Không chấp nhận bị tấn công, Bắc Kinh đã “vùng lên” đáp trả Hoa Kỳ bằng một số phát biểu và động thái, nhưng chủ yếu chỉ mang tính trình diễn.
Một ngày sau khi Mỹ ra lệnh cấm TikTok và WeChat, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTC Uông Văn Bân nói rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối” hành động này của Mỹ.
Trước đó một ngày, giống như mọi khi, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến lại đăng đàn để chống Mỹ bằng “mồm”. Lần này ông Hồ thách đố Hoa Kỳ với khẩu khí rất mạnh rằng “Nếu Hoa Kỳ thực sự có khả năng và dám chơi lớn, thì hãy quyết định ‘thiết lập quan hệ ngoại giao’ với Đài Loan và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh đi. Có dám không?”.
Phát biểu của ông Hồ đưa ra sau khi Mỹ có kế hoạch cử Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar tới thăm Đài Loan. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chuyến thăm này, tuy nhiên, Đài Bắc hôm thứ Năm xác nhận rằng chuyến đi của ông Azar sẽ vẫn diễn ra vào ngày Chủ nhật (9/8). Hôm thứ Tư, nhà báo Bill Gertz của Washington Times đưa ra đề nghị: Hoa Kỳ nên thay đổi chính sách “một TC” và công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Hôm thứ Tư, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, cáo buộc Mỹ làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông khi liên tục điều tàu đến khu vực này. Cùng ngày, Taiwan News đưa tin, Bắc Kinh tự ý phân loại các tuyến hàng hải quốc tế nằm giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa.
Trước đó một ngày, hôm thứ Ba, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTC đã lên tiếng phản đối các hành động cứng rắn của chính quyền Trump đối với các phóng viên của họ tại Mỹ, khi không gia hạn thị thực cho những người này, nói rằng Hoa Kỳ “đạo đức giả”, và hăm dọa Bắc Kinh sẽ có hành động đáp trả.
Sợ hãi
Những “cú đánh túi bụi” của chính quyền Trump về phía Bắc Kinh dường như đã làm cho thế lực cầm quyền ở TC “thấm đòn”. Các phản ứng của lực lượng này trong tuần qua thể hiện rõ điều đó, họ đã phải hạ giọng với Mỹ, và làm lộ ra phần nào sự sợ hãi, mặc dù vẫn bộc lộ “thói giảo biện” vốn là bản chất.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã hôm thứ Tư, Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTC, Vương Nghị, đã “trải lòng” về mối quan hệ Trung-Mỹ. Ông Vương nói rằng Bắc Kinh không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh lạnh mới, và rằng Trung Quốc sẵn sàng tái khởi động đối thoại với Hoa Kỳ ở tất cả các cấp để giảm bớt căng thẳng và “đưa ra một khuôn khổ rõ ràng” trong mối quan hệ giữa hai nước.
“TC ngày nay không phải là Liên Xô trước đây. Chúng tôi không có ý định trở thành một Hoa Kỳ khác. TC không xuất khẩu ý thức hệ và không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, ông Vương nói.
“Thông điệp của chúng tôi khá rõ ràng: chúng tôi kêu gọi Mỹ ngừng hành động với thái độ kiêu ngạo và thành kiến, mà hãy đối thoại mang tính xây dựng với chúng tôi trên cơ sở bình đẳng”, ông Vương nói thêm.
Đề cập tới Biển Đông, một điểm xung đột lớn trong quan hệ Mỹ-Trung, ông Vương nói đây là “ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực”, và đưa ra lời khuyên rằng không nên để vùng biển này trở thành “một sàn đấu chính trị quốc tế”.
Tiếp theo, ông Vương có ý tứ với Hoa Kỳ rằng “tâm lý tổng bằng không” (người thua, ta được) nên được loại bỏ và hai nước nên làm việc cùng nhau trong việc ngăn chặn đại dịch viêm phổi Vũ Hán và khôi phục kinh tế, đóng vai trò có trách nhiệm trong thế giới đa phương.
Trong một động thái muốn làm hòa với Mỹ, hôm thứ Năm, Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Giám đốc Văn phòng Ngoại giao của ĐCSTC, Dương Khiết Trì, đã đăng một bài viết, hơn 6000 ngàn chữ, trên Tân Hoa Xã, với tựa đề “Kiên định gìn giữ và ổn định mối quan hệ Trung-Mỹ bằng mọi giá”.
Ngoài phần trách nhẹ Mỹ lấy lệ, phần lớn nội dung bài viết ôn lại kỷ niệm 41 năm “Hữu nghị Trung – Mỹ”, truyền thông điệp rằng “hợp tác sẽ có lợi cho cả hai, còn như đấu đá sẽ gây tổn hại cho cả hai”, đồng thời cho rằng cần phải “hợp tác và cùng có lợi” với Mỹ, triển khai đối thoại và gắn kết với nhau trên nhiều lĩnh vực, và rằng “Phía ĐCSTC trước sau vẫn mở rộng cánh cửa đối thoại và thắt chặt tình hữu nghị với Hoa Kỳ”.
Kết cục tất yếu
Rõ ràng, không dễ để các quan chức của ĐCSTC xuống nước như thế này với Mỹ, ngoài sức ép mạnh mẽ từ Washington khiến Bắc Kinh “khó thở”, thì những khó khăn mà lực lượng này đang gặp phải là hệ quả tất yếu từ lịch sử sinh tồn bất hảo của ĐCSTQ khiến họ phải hành xử theo cách này.
Gian manh và độc ác rốt cuộc sẽ không thể có kết cục tốt đẹp, đây là quy luật đã được tổng kết trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh nhân loại, cũng như trong giáo lý của các chính giáo vốn giúp duy trì đạo đức cho con người.
Li Hengqing, một cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa từng tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989, chia sẻ với The Epoch Times rằng ĐCSTC, lực lượng luôn tìm cách để người dân lẫn lộn họ với nhân dân Trung Quốc, là loại “nói dối không đỏ mặt”. Còn giáo sư Hứa Chương Thuận, một nhà hoạt động nhân quyền bị tù đầy nhiều năm, nói rằng suốt 70 năm cầm quyền ĐCSTC đã tạo ra “núi xác chết và biển máu”.
Ngày 22/7, trong chuyến khảo sát thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, Tổng Bí Thư ĐCSTC Tập Cận Bình buột miệng nói ra câu: “gây dựng cơ nghiệp đã khó, giữ vững cơ nghiệp càng khó hơn”. Người ta cho rằng ông Tập nói gở, báo hiệu ngày trả giá cho thói gian manh và độc ác của ĐCSTC không còn xa.