Chiến tranh Ukraine: Các vùng bị chiếm đóng kêu gọi trưng cầu dân ý sáp nhập Nga
BBC News
21/9/2022
Cuộc trưng cầu ý dân khó có thể diễn ra khi Ukraine vẫn còn kiểm soát phần lớn vùng Donetsk và Zaporizhzhia
Bốn vùng của Ukraine do Moscow kiểm soát đã tuyên bố các kế hoạch trưng cầu ý dân khẩn cấp về việc gia nhập Nga, dọn đường cho việc sáp nhập của Nga.
Những tháng gần đây, cuộc xâm lược của Nga đã chững lại và Ukaine đã giành lại được một khu vực lãnh thổ rộng lớn ở vùng đông bắc.
Hiện nay, giới chức do Nga hậu thuẫn tại miền đông và nam cho biết họ muốn bỏ phiếu để gia nhập Nga bắt đầu từ tuần này.
Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014, sau một cuộc trưng cầu ý dân bị quốc tế lên án.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho sẽ có bài phát biểu trước toàn quốc tối thứ Ba 21/09. Nhưng các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin sau đó cho hay thấy bài phát biểu đã bị hoãn, và không đưa ra lý do.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói hôm thứ Ba 21/09 rằng "các cuộc trưng cầu ý dân 'giả dối' sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì".
Cộng đồng quốc tế chưa từng công nhận việc sáp nhập Crimea, nhưng đã từ lâu rõ ràng là Nga có ý định hợp pháp hóa việc thâu tóm những vùng bị chiếm đóng khác theo cách giống nhau.
Sáp nhập thêm lãnh thổ của Ukraine sẽ cho phép Điện Kremlin tự tuyên bố đang bị tấn công bằng vũ khí của Nato. Nga tiến hành xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Cũng có đồn đoán rằng Nga có thể tuyên bố một cuộc huy động quân sự lớn, để tăng cường sức mạnh tại Ukraine.
Quốc hội Nga đã đã thông qua các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn đối với các tội hình sự như đào ngũ, gây tổn hại đến tài sản quân sự và không tuân thủ mệnh lệnh trong thời gian tổng động viên hoặc chiến đấu.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev, nói đầu ngày 21/09 rằng việc tổ chức bỏ phiếu ở vùng Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine - còn gọi là Donbas - sẽ sửa chữa "công lý mang tính lịch sử" và không thể đảo ngược: "Sau khi hiến pháp nhà nước của chúng ta được chỉnh sửa, không có nhà lãnh đạo tương lai nào của Nga, không quan chức nào, sẽ có thể đảo ngược những quyết định này."
Ngay sau đó chính quyền của hai vùng ly khai do Nga hậu thuẫn tại Donetsk và Luhansk nói họ sẽ tiến hành bỏ phiếu từ ngày 23-27/09. Tổng thống Putin đã công nhận nền độc lập của hai vùng này chỉ ba ngày trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine từ phía bắc, đông và nam.
Giới chức do Nga bổ nhiệm tại vùng Kherson, miền nam Ukraine nói họ cũng sẽ tổ chức bỏ phiếu, một tuyên bố tương tự cũng được phát đi từ các vùng ở Zaporizhzhia, do Nga chiếm đóng. Truyền thông nhà nước Nga nói người dân sẽ có thể bỏ phiếu trực tiếp hoặc từ xa.
Trong những tháng qua, giới chức do Nga cài cắm đã cố gắng tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân theo cách thức của mình. Không bao giờ có bất kỳ hy vọng về một cuộc bầu cử tự do và công bằng, và chiến tranh tiếp diễn khiến việc sáp nhập các vùng không hoàn toàn do họ kiểm soát trở nên phi thực tế. Các cuộc phản công của Ukraine đã khiến vấn đề này trở nên khó khăn hơn.
Trong khi hầu hết vùng Luhansk đã nằm trong tay của Nga kể từ tháng Bảy, hôm thứ Hai 20/09, lãnh đạo vùng Luhansk tuyên bố quân đội đã chiếm làng Bilohorivka.
Hầu hết vùng Donetsk vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, mặc dù Nga đã chiếm được vùng duyên hải dọc biển Azov.
Mặc dù lực lượng Nga đã nhanh chóng chiếm giữ Kherson vào buổi đầu của cuộc chiến tranh, lực lượng Ukraine đã giành lại một số vùng lãnh thổ. Chính quyền do Nga bổ nhiệm tại đây đã đối mặt với các cuộc tấn công liên tục. Các nỗ lực trước đó để tổ chức bỏ phiếu đã bị hoãn.
Ukraine vẫn đang kiểm soát phần lớn Zaporizhzhia, bao gồm thủ phủ cùng tên. Mặc dù cuộc trưng cầu ý dân năm 2014 tại Crimea bị phần lớn người dân bác bỏ, coi là phi pháp, bị tẩy chay, quân đội Nga vẫn kiểm soát bán đảo này.
Lực lượng Ukraine cách không xa thành phố Donetsk và hôm 19/09, thị trưởng do Nga hậu thuẫn tại đây đã cáo buộc phía Ukraine pháo kích thành phố, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
Phương Tây lên án
Quân đội Ukraine đã chiếm lại phần lớn lãnh thổ ở miền đông nam sau đợt phản công quy mô hồi tháng này
Bất kỳ nỗ lực nhằm sáp nhập vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine sẽ khiến giới lãnh đạo ở Kyiv giận dữ và phá hủy bất kỳ hy vọng về một giải pháp đạt được thông qua thương lượng.
Cố vấn Quốc phòng Ukraine Oleksiy Kopytko cho biết kế hoạch bỏ phiếu là một "dấu hiệu cuồng loạn" từ Moscow. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói hôm 19/09 "quân xâm lược rõ ràng đang hoảng loạn".
Mỹ, Đức và Pháp tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận kết quả của các cuộc bỏ phiếu "bịp bợm" như vậy.
Cuộc bỏ phiếu này theo kế hoạch sẽ kéo dài năm ngày, bắt đầu từ thứ Sáu 23/09, tại các vùng Luhansk và Donetsk - cũng như Zaporizhzhia và Kherson ở miền nam, chiếm khoảng 15% lãnh thổ của Ukraine - khu vực khoảng bằng diện tích của Hungary, theo Reuters.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi các cuộc bỏ phiếu là "một sự bịp bợm", trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án ý tưởng này, xem là "ích kỷ" và một "trò giễu" dân chủ, rõ ràng sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói Washington sẽ không bao giờ công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu, gọi đây là một "sự xúc phạm đến các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào do lực lượng xâm lược tiến hành là vi phạm luật pháp quốc tế và không có tính pháp hợp pháp, Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu (OSCE) tuyên bố.
Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg nói các cuộc bỏ phiếu không có tính chính danh và "là một bước leo thang xa hơn trong cuộc chiến tranh của Putin".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn các đối tác về sự ủng hộ trước "tin tức ồn ào" từ Nga.
Ông Zelensky theo dự kiến sẽ có bài phát biểu qua video trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm nay 21/09.
Chuyên gia phân tích nổi tiếng người Nga Tatiana Stanovaya cho rằng bước đi là một "tối hậu thư rõ ràng" từ Nga phát đi đến Ukraine và Phương Tây. Bà cho biết nếu họ không phản ứng thích hợp Nga sẽ huy động toàn bộ lực lượng vũ trang cho cuộc chiến tranh. Việc sáp nhập sẽ trao cho Tổng thống Putin quyền, như cách ông ta nhìn nhận, sử dụng bất kỳ vũ khí nào cho vùng lãnh thổ được Nga bảo vệ.
Ngày càng có thêm các lời kêu gọi tại Nga về việc tổng huy động lực lượng vũ trang, Tổng thống Putin mô tả cuộc xâm lược là "một hoạt động quân sự đặc biệt".
Trong một dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin đang chuẩn bị hậu thuẫn cho các cuộc trưng cầu ý dân, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Nga đã muốn người dân có quyền quyết định: "Toàn bộ tình hình hiện tại cho thấy họ muốn định đoạt số phận của mình."