Thời Sự

Mỹ đồng ý quan hệ đối tác với các đảo quốc Thái Bình Dương để cạnh tranh với Trung Quốc

Mỹ đồng ý quan hệ đối tác với các đảo quốc Thái Bình Dương

Lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương trong chuyến thăm Washington

Hoa Kỳ ngày 28/9 khởi sự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các đảo ở Thái Bình Dương và cho biết họ đã đồng ý mối quan hệ đối tác cho tương lai và đưa ra triển vọng về hỗ trợ dồi dào dành cho khu vực mà nơi đó Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo từ 12 quốc đảo Thái Bình Dương tham gia thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Washington. Ngoài ra, có hai nước cử đại diện tham gia và Úc cùng New Zealand tham dự với tư cách quan sát viên.

Điều phối viên Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc Kurt Campbell tuần trước cho biết hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và y tế. Washington và các đồng minh muốn tăng cường an ninh hàng hải và liên kết thông tin liên lạc của các quốc đảo này với các quốc gia như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, ông cho hay.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo từ khu vực mà Washington coi là sân sau hàng hải kể từ Thế chiến Thứ hai, nhưng Trung Quốc đã và đang có những bước tiến vững chắc. Một số quốc gia đã phàn nàn về việc bị kẹt giữa cuộc chiến giành ảnh hưởng của các siêu cường.

Các nhà lãnh đạo sẽ được đưa đi khắp Washington, bao gồm Bộ Ngoại giao, Quốc hội Hoa Kỳ, đại bản doanh của Tuần Duyên Hoa Kỳ, được tiếp đón bởi các lãnh đạo doanh nghiệp và tại Tòa Bạch Ốc.

Phát biểu khai mạc phiên họp tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hai bên đã đồng ý “công bố về quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Thái Bình Dương.”

Ông nói việc này cho thấy Hoa Kỳ và Thái Bình Dương có “tầm nhìn chung cho tương lai và quyết tâm cùng nhau xây dựng tương lai đó.”

Ông Blinken nói tầm nhìn chung đó “công nhận rằng chỉ bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể thực sự giải quyết những thách thức lớn nhất trong thời đại của chúng ta mà tất cả các công dân của chúng ta đang đương đầu.”

Ông Blinken nhắc tới cuộc khủng hoảng khí hậu và các trường hợp khẩn cấp về y tế, đồng thời thúc đẩy cơ hội kinh tế và “gìn giữ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi mọi quốc gia - dù lớn đến đâu, dù nhỏ đến đâu, đều có quyền lựa chọn con đường riêng của mình.”

Quần đảo Solomon và mối quan hệ với Trung quốc

Quần đảo Solomon trước đó đã nói với các quốc gia được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh rằng họ sẽ không ký vào bản tuyên bố đó, theo một ghi chú mà Reuters nhìn thấy, khiến các nước thêm lo ngại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Damukana Sogavare đã nhiều lần tỏ ra dè bỉu Hoa Kỳ, làm gia tăng lo ngại của Washington.

Cạnh tranh chiến lược ở Thái Bình Dương gia tăng đáng kể trong năm nay sau khi Trung Quốc ký một thỏa thuận an ninh với Solomon, gây ra những cảnh báo về việc quân sự hóa khu vực này.

Ông Blinken cam kết 4,8 triệu đô la cho một chương trình được gọi là Các nền kinh tế Xanh Kiên cường để hỗ trợ ngư nghiệp, nông nghiệp và du lịch bền vững.

Các cuộc đàm phán ngày 28/9 bao gồm một phiên họp do đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu, John Kerry, chủ tọa.

Một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho hay Tòa Bạch Ốc đang làm việc với khu vực tư nhân để đưa ra một thỏa thuận về các tuyến cáp dưới biển cho khu vực, gọi đó là “phản ứng đối với hoạt động ngoại giao và mở rộng quân sự của Trung Quốc.”

Các quốc gia Thái Bình Dương mong muốn kết nối nhiều hơn với nhau và với các đồng minh, tuy nhiên họ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Washington nên chấp nhận các ưu tiên của họ, biến biến đổi khí hậu - chứ không phải cạnh tranh giữa các siêu cường - là nhiệm vụ an ninh cấp bách nhất.

Một quan chức của Hoa Kỳ cho biết các nhà lãnh đạo từ Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall, Palau, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Samoa, Tuvalu, Tonga, Fiji, Quần đảo Cook, Polynesia thuộc Pháp và New Caledonia tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Mỹ. Vanuatu và Nauru cử đại diện tham gia.

 

Chiến lược của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương để cạnh tranh với Trung Quốc

Mỹ đã công bố chiến lược đầu tiên về quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương hôm 29/9, ngày thứ hai của một hội nghị thượng đỉnh lịch sử với các lãnh đạo trong khu vực, cam kết giúp họ chống biến đổi khí hậu và bác bỏ ‘sự cưỡng ép kinh tế’ của Trung Quốc.

Với Washington, tài liệu chiến lược cho biết chính quyền Mỹ đang can dự sâu hơn với các đảo quốc này như là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

“Sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ phụ thuộc vào khu vực Thái Bình Dương duy trì trạng thái mở và tự do,” tài liệu cho biết, lưu ý rằng các đảo quốc Thái Bình Dương đối mặt với những thách thức khẩn cấp, đáng chú ý nhất là khủng hoảng khí hậu, nhưng cũng có căng thẳng địa chính trị gia tăng.

“Càng ngày, những tác động đó bao gồm áp lực và sự cưỡng ép kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, có nguy cơ làm phá hoại hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực, và rộng ra là của Hoa Kỳ,” tài liệu ghi rõ.

Các lãnh đạo và đại diện từ 14 đảo quốc Thái Bình Dương đang tham gia hội nghị thượng đỉnh. Họ đang được đón tiếp trọng thể ở Washington vào ngày 29/9 tại Nhà Trắng.

Chính quyền Mỹ đã cam kết hỗ trợ lớn cho các đảo quốc để giải quyết các vấn đề khí hậu, y tế và an ninh hàng hải - chẳng hạn như đánh bắt bất hợp pháp - và củng cố liên kết liên lạc với các đối tác của Mỹ như Nhật, Úc và Ấn Độ.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết trong số kết quả quan trọng của hội nghị thượng đỉnh có việc Mỹ sẽ đầu tư hơn 810 triệu đô la vào các chương trình mở rộng để hỗ trợ các hòn đảo ngoài số hơn 1,5 tỷ đô la đã được giải ngân trong thập kỷ qua.

Quan chức này cũng cho biết Mỹ sẽ chỉ định nhà ngoại giao chuyên nghiệp Frankie Reed làm đặc phái viên đầu tiên của Mỹ tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

Trước đó, tờ Washington Post đưa tin rằng tất cả các nhà lãnh đạo đến Mỹ đã tán thành tuyên bố 11 điểm về tầm nhìn cam kết thực hiện các nỗ lực chung, và một quan chức Mỹ xác nhận với Reuters rằng điều đó là chính xác.

Một dự thảo tuyên bố chưa được ký kết được Reuters nhìn thấy ghi rằng các nhà lãnh đạo quyết tâm tăng cường mối quan hệ đối tác và chia sẻ tầm nhìn về khu vực với ‘nền dân chủ sẽ có thể thăng hoa’.

Hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ tiếp đón nhiều lãnh đạo của khu vực mà họ coi là sân sau của họ trên biển kể từ Đệ nhị Thế chiến, nhưng Trung Quốc đã đạt có những bước tiến chắc chắn.

Một số đảo quốc đã phàn nàn về việc họ bị kẹt trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các siêu cường.

Tài liệu chiến lược của Mỹ cho biết nước này sẽ hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương để giúp họ thích nghi và xử lý khủng hoảng khí hậu, ‘mối đe dọa sống còn’ đối với cuộc sống, sức khỏe và sinh kế của họ.

Nằm trong kế hoạch, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ngoại giao và quốc phòng trong khu vực, tìm cách giúp đối phó ô nhiễm biển, đánh bắt bất hợp pháp, buôn bán ma túy và an ninh cảng biển, hợp tác với các đối tác về nâng cấp cáp ngầm và thúc đẩy quan hệ đối tác viễn thông ‘an toàn và đáng tin cậy’.

Hoa Kỳ cũng cam kết tăng cường thương mại và đầu tư với các đảo quốc Thái Bình Dương, và cho biết họ sẽ hỗ trợ dân chủ, nhân quyền và quản trị tốt, bao gồm bằng xây dựng năng lực cho khu vực tư nhân, truyền thông, học viện và xã hội dân sự.

 

 9/30/2022

Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương đạt thỏa thuận đối tác

Lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương đạt được Tuyên bố chín điểm về Quan hệ Đối tác Hoa Kỳ-Thái Bình Dương trong thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ với các đảo quốc này do Washington tổ chức.

Hoa Kỳ sắp công bố hơn 810 triệu đô la trong các chương trình mở rộng để hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử bước sang ngày thứ nhì. Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, Washington đã cung cấp tới 1,5 tỷ đô để hỗ trợ các đảo quốc ở Thái Bình Dương trong thập kỷ qua.

Hoa Kỳ cũng cam kết công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền, sau các cuộc tham vấn thích hợp. Trong khi cả Quần đảo Cook và Niue đều có độc lập hiến định hoàn toàn khỏi New Zealand và hoạt động như các quốc gia độc lập, Mỹ coi đó là các lãnh thổ tự quản và chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ chỉ định một đặc sứ đầu tiên của Mỹ cho Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương trong khu vực. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) sẽ tái lập sứ mệnh tại Suva, Fiji trước tháng 9 năm sau.

Kế hoạch của Washington nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với Thái Bình Dương được đưa ra trong lúc lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.

Trước đó, Quần đảo Solomon nói họ sẽ không ký một tuyên bố chung trong cuộc họp cấp cao với Mỹ, chỉ 5 tháng sau khi họ ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.

Trong số các sáng kiến mới được liệt kê trong thỏa thuận Đối tác Hoa Kỳ - Thái Bình Dương, Washington sẽ đầu tư 20 triệu đô la để thúc đẩy du lịch và giảm nghèo ở Quần đảo Solomon.

Theo thỏa thuận mới, Hoa Kỳ sẽ khởi động một cuộc đối thoại thương mại và đầu tư mới với các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng cường an ninh hàng hải, cũng như cung cấp tới 3,5 triệu đô la trong 5 năm để cải thiện kết nối internet của khu vực và hỗ trợ an ninh mạng.

Quần đảo Marshall, Palau và Micronesia được gọi là các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) đã ký các hiệp ước với Hoa Kỳ. Các thỏa thuận hiện tại hết hạn vào tháng 9 năm sau đối với Quần đảo Marshall và Micronesia, và với Palau thì hết hạn vào năm sau nữa.

Theo các hiệp ước sắp hết hạn được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do, ba quốc đảo Thái Bình Dương này nhận được viện trợ không hoàn lại và đảm bảo an ninh từ chính phủ Hoa Kỳ. Công dân của FAS có thể sống và làm việc tại Hoa Kỳ mà không cần thị thực.

Đổi lại, Hoa Kỳ có quyền xây dựng các căn cứ quân sự tại ba quốc đảo này và có thể khước từ quyền tiếp cận của nước ngoài đối với vùng biển, không phận và đất liền của ba quốc đảo đó.

Hoa Kỳ dự kiến việc đàm phán cho ba thỏa thuận mới sẽ chung quyết vào cuối năm nay.

 

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search