Thời Sự

Người lưu vong Tây Tạng bất an về tương lai không Đạt Lai Lạt Ma

08/07/2024

   BBC News

Đạt Lai Lạt Ma vừa bước qua tuổi 89 vào hôm 6/7

Tại một tu viện nằm dưới chân những dãy núi phủ đầy tuyết ở miền bắc Ấn Độ, vị tu sĩ Phật giáo được giao phó trọng trách bảo vệ Đạt Lai Lạt Ma và dự báo tương lai cho người dân Tây Tạng đang cảm thấy lo lắng.

Đạt Lai Lạt Ma vừa bước sang tuổi 89 vào hôm 6/7 và Trung Quốc kiên quyết cho rằng họ sẽ chọn người kế nhiệm ông với vai trò là lãnh đạo tinh thần tối cao của Tây Tạng.

Điều đó khiến vị hộ pháp của nhà Thông linh Tây Tạng phải suy ngẫm về những gì sắp xảy ra tiếp theo.

"Ngài là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, thì sẽ có vị thứ 15, thứ 16, thứ 17," bên trung gian, hay còn gọi là Nechung (Nãi Quỳnh Hộ Pháp), cho biết.

"Ở các quốc gia khác, khi lãnh đạo thay đổi thì câu chuyện cũng kết thúc. Nhưng ở Tây Tạng thì mọi chuyện lại khác," Reuters dẫn lời Nechung.

Phật tử Tây Tạng tin rằng các tu sĩ uyên bác sẽ hóa thân tái sinh sau khi chết thành trẻ sơ sinh. Đạt Lai Lạt Ma, người đang hồi phục sức khỏe ở Mỹ sau một cuộc phẫu thuật y tế, cho biết ông sẽ làm rõ các câu hỏi về việc kế vị - bao gồm cả việc liệu ông có hóa thân tái sinh không và tái sinh ở đâu - vào khoảng sinh nhật thứ 90 của mình.

Là một phần của quá trình nhận dạng tái sinh, vị thông linh sẽ bước vào trạng thái xuất thần để tham vấn ngài hộ pháp.

Vị Đạt Lai Lạt Ma đương nhiệm là một nhân vật lôi cuốn đã hoằng hóa Phật pháp trên toàn thế giới và được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1989 vì kiên trì duy trì sự chính nghĩa của Tây Tạng lưu vong.

Bắc Kinh coi ông là một kẻ ly khai nguy hiểm, mặc dù ông đã áp dụng phương pháp mà ông gọi là "Trung Đạo" nhằm tìm kiếm quyền tự trị thực sự và tự do tôn giáo trong hòa bình ở Trung Quốc.

Bất kỳ người kế nhiệm nào cũng sẽ thiếu kinh nghiệm và chưa được biết đến trên trường quốc tế. Điều đó đã dấy lên lo ngại về việc liệu phong trào sẽ mất đà hay trở nên cực đoan hơn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington - nguồn hỗ trợ lưỡng đảng từ lâu cho Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), chính phủ lưu vong của người Tây Tạng.

CTA cùng các đối tác phương Tây và Ấn Độ - nơi đã cho Đạt Lai Lạt Ma trú ngụ ở chân dãy Himalaya hơn sáu thập kỷ - đang chuẩn bị cho một tương lai không có sự hiện diện đầy sức ảnh hưởng của ông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ sớm ký một luật yêu cầu Bộ Ngoại giao phản bác lại cái mà họ gọi là "thông tin sai lệch" của Trung Quốc rằng Tây Tạng, nơi bị Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sáp nhập vào năm 1951, đã là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Đạt Lai Lạt Ma tại bang New Jersey, Mỹ vào ngày 23/6/2024

Đạt Lai Lạt Ma tại bang New Jersey, Mỹ vào ngày 23/6/2024

"Trung Quốc muốn được công nhận rằng Tây Tạng đã là một phần của Trung Quốc ... trong suốt lịch sử, và dự luật này có thể dẫn tới việc người ủng hộ Tây Tạng có thể dễ dàng yêu cầu một chính phủ phương Tây từ chối công nhận một yêu sách như vậy," chuyên gia về Tây Tạng Robert Barnett thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở London nói.

Các nhà lập pháp Mỹ, bao gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đã đến thăm Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 6/2024 để mừng việc Quốc hội thông qua dự luật, điều mà ông Penpa Tsering - một sikyong (nhà lãnh đạo chính trị), người đứng đầu CTA, gọi là một "bước đột phá".

Vị sikyong nói với Reuters rằng dự luật này là một phần của sự thay đổi chiến lược thay vì nhấn mạnh đến các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc như cưỡng bức đồng hóa.

Ông cho biết kể từ năm 2021, CTA đã vận động hai chục quốc gia, bao gồm cả Mỹ, công khai bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh rằng Tây Tạng luôn là một phần của Trung Quốc.

Vị lãnh đạo cho rằng với sức nặng của Mỹ đằng sau chiến lược này, những người lưu vong hy vọng sẽ đẩy được Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

"Nếu mọi quốc gia cứ nói rằng Tây Tạng là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì Trung Quốc có lý do gì để đến nói chuyện với chúng tôi?" nhà lãnh đạo nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời các câu hỏi của Reuters rằng họ sẽ sẵn sàng thảo luận với Đạt Lai Lạt Ma về "tương lai cá nhân" ông nếu ông "thực sự từ bỏ lập trường chia rẽ tổ quốc" và công nhận Tây Tạng là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.

Bắc Kinh, nơi không tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với đại diện của Đạt Lai Lạt Ma kể từ năm 2010, cũng đã lên tiếng yêu cầu ông Biden không ký dự luật.

Văn phòng của Đạt Lai Lạt Ma - người trong những năm gần đây đã xin lỗi về những nhận xét ông đưa ra về phụ nữ và trẻ em, đã chuyển yêu cầu phỏng vấn cho Sikyong.

Các câu hỏi về sự kế vị

Người Tây Tạng tham gia cuộc tuần hành phản đối được tổ chức để kỷ niệm 65 năm cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc, tại thị trấn Dharamsala, Ấn Độ, ngày 10/3/2024

Người Tây Tạng tham gia cuộc tuần hành phản đối tại thị trấn Dharamsala, Ấn Độ vào ngày 10/3/2024, sự kiện được tổ chức để kỷ niệm 65 năm cuộc nổi dậy của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc

Đa số các nhà sử học cho rằng Tây Tạng đã bị đồng hóa vào đế chế Mông Cổ trong thời nhà Nguyên thế kỷ 13-14, đế chế này cũng bao phủ một phần lớn lãnh thổ Trung Quốc ngày nay.

Bắc Kinh tuyên bố điều đó đã thiết lập quyền cai trị của họ, mặc dù các học giả tin rằng mối quan hệ này thay đổi đáng kể qua nhiều thế kỷ và Tây Tạng hẻo lánh đã phần lớn tự cai trị trong thời gian dài.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tiến vào Tây Tạng vào năm 1950 và tuyên bố "giải phóng hòa bình". Sau cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1959, vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi đã lưu vong sang Ấn Độ.

Năm 1995, đất nước Trung Quốc vô thần và Đạt Lai Lạt Ma đã riêng rẽ xác định hai cậu bé là Ban Thiền Lạt Ma, lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng quan trọng thứ hai. Ứng cử viên của Đạt Lai Lạt Ma đã bị chính quyền Trung Quốc bắt cóc và không còn xuất hiện kể từ đó.

Nhiều Phật tử coi sự lựa chọn của Bắc Kinh là bất hợp pháp, mặc dù hầu hết đều mong đợi một sự lựa chọn song song tương tự cho Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, do lập trường của chính phủ Trung Quốc rằng nhân vật này phải hóa thân tái sinh và họ phải chấp thuận người kế vị.

Dân biểu Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, trong chuyến thăm Dharamsala, cho biết chính quyền Trung Quốc đã "cố gắng can thiệp vào việc kế vị Đạt Lai Lạt Ma nhưng chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra".

Ấn Độ, nơi có quân đội giao tranh với Trung Quốc gần cao nguyên Tây Tạng vào năm 2022, đã ít lên tiếng hơn về lập trường của mình đối với việc kế vị.

"Mỹ... không phải lo lắng về các cuộc xâm lấn biên giới như Ấn Độ," Donald Camp, cựu quan chức hàng đầu về Nam Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.

Nhưng là nơi sinh sống của hàng chục ngàn người Tây Tạng và là một tiếng nói đang lên trên chính trường toàn cầu, các nhà quan sát ngoại giao Ấn Độ cho biết Delhi sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột.

Các nhà bình luận cứng rắn đã kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma như một cách gây sức ép với Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về việc kế vị, nhưng cựu đại sứ của họ tại Trung Quốc, Ashok Kantha, cho biết Ấn Độ sẽ không "thoải mái với việc Trung Quốc cố gắng kiểm soát quá trình đó".

Đạt Lai Lạt Ma trao đổi lời chào với cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong cuộc gặp của họ tại Dharamshala ngày 19/6/2024

Đạt Lai Lạt Ma làm nghi thức chào cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong cuộc gặp của họ tại Dharamshala ngày 19/6/2024

"Chúng tôi đã trao đổi riêng với Trung Quốc… rằng đối với họ, lựa chọn tốt nhất là hợp tác với Đạt Lai Lạt Ma và các đại diện của ông. Sau Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra,” Reuters dẫn lời ông Kantha.

Sự tôn trọng mà Đạt Lai Lạt Ma có được nơi những người Tây Tạng lưu vong đã giúp kiềm chế những bức xúc và mong muốn giành độc lập. Nhưng không rõ sau khi ông qua đời, sự cân bằng đó còn được duy trì hay không.

Tổng thư ký Đại hội Thanh niên Tây Tạng Sonam Tsering cho biết nhóm ủng hộ của ông tôn trọng Trung Đạo nhưng cũng giống như nhiều người Tây Tạng trẻ tuổi khác, họ mong muốn độc lập hoàn toàn.

Ông cho biết hiện tại người Tây Tạng đang tập trung hỗ trợ Đạt Lai Lạt Ma thực hiện mong muốn quay trở lại quê hương trước khi qua đời.

Nhưng nếu nguyện vọng "không được thực hiện, thì sự bùng nổ cảm xúc, những thách thức về cảm xúc mà họ phải trải qua, sẽ rất khó tưởng tượng," ông nói.

Sikyong cho biết sự tập trung mới của CTA vào việc thách thức câu chuyện của Trung Quốc đã thống nhất những người Tây Tạng ủng hộ độc lập với những người theo đuổi Trung Đạo, vì địa vị lịch sử của Tây Tạng là một điểm đồng thuận chung.

Vào hôm 6/7, hàng chục ngàn Phật tử và những người ủng hộ trên khắp thế giới đã tập hợp để ăn mừng và cầu nguyện cho sự trường thọ của một nhà lãnh đạo, đối với họ, như người đại diện cho hy vọng mạnh mẽ nhất rằng Tây Tạng cuối cùng rồi sẽ trở lại.

Nhưng thời gian dành cho cả Đạt Lai Lạt Ma lẫn người dân của ông đang dần cạn.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search