12/08/2024
BBC News
Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ tăng cường chiến lược "chia để trị" trong khu vực sau khi Việt Nam và Philippines lần đầu tập huấn chung trên Biển Đông. Nước này cũng "cảnh giác" khi Nhật Bản có những động thái tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam và Philippines.
Chiến thuật "chia để trị" có thể bao gồm các biện pháp kinh tế và ngoại giao để trừng phạt các quốc gia vi phạm các ranh giới không thành văn; và những ưu đãi về thương mại, đầu tư để dụ dỗ các quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn nhằm mở rộng ảnh hưởng, theo CNN.
Trên Biển Đông, "lợi ích của Trung Quốc là một Đông Nam Á bị chia rẽ," nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill thuộc trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nhận định với BBC Tiếng Việt vào hôm 6/8.
Cuộc tập huấn 'lịch sử'
Cuộc tập huấn hôm 9/8 giữa Việt Nam và Philippines được nhiều nhà quan sát trong khu vực nhận định là dấu mốc "lịch sử".
Tàu CSB 8002 dài 90 mét của Việt Nam đã cập cảng Manila hôm 5/8, cùng với tàu tuần tra ngoài khơi BRP Gabriela Silang của Philippines tham gia diễn tập mô phỏng về chữa cháy, cứu nạn và ứng phó y tế.
Trang Nikkei Asia đánh giá sự kiện này là "đỉnh cao" tính tới nay của thỏa thuận hợp tác hàng hải mà hai nước đã ký hồi đầu năm 2024.
Chuẩn đô đốc Armand Balilo từ Cảnh sát biển Philippines cũng nói đây là cuộc tập huấn lịch sử khi trả lời các phóng viên.
"Cuộc tập huấn chung giữa cảnh sát biển Philippines và Việt Nam cho thấy một bước phát triển quan trọng trong hợp tác giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông," ông Gill nhận xét.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc sẽ không nhìn nhận cuộc tập huấn này một cách tích cực và sẽ cố gắng để gây áp lực tối đa lên từng nước, theo các nhà quan sát.
Trung Quốc sẽ kiếm cớ để cảm thấy "bị xúc phạm" trước sự hợp tác của các quốc gia ASEAN có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên Biển Đông, ông Julio Amador, Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn Amador Research Services tại Manila, nói với Nikkei.
Chia để trị
Khi Việt Nam và Philippines xích lại gần nhau bằng cách thắt chặt các mối quan hệ quân sự, một phần để tăng cường năng lực quản lý tranh chấp trên biển, Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược "chia để trị" trong việc giải quyết mâu thuẫn với hai nước này trên Biển Đông, theo một bài viết trên South China Morning Post (SCMP) hôm 12/8.
Bắc Kinh sẽ điều chỉnh các chính sách để phù hợp với cách tiếp cận quyết đoán của Philippines và cách tiếp cận "kín đáo" của Việt Nam trong khu vực, theo các nhà phân tích.
"Trung Quốc sẽ muốn giải quyết song phương với từng quốc gia tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông để có thể gây áp lực tối đa lên từng nước," nhà phân tích Don McLain Gill nói với BBC Tiếng Việt hôm 12/8.
Ông lý giải:
"Nếu Philippines và Việt Nam đạt được thỏa thuận chung, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải đối phó với cả hai nước cùng lúc khi tìm cách bành trướng, khiến việc này trở nên khó khăn hơn cho chính họ. Trung Quốc được hưởng lợi từ việc thiếu các thỏa thuận giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo."
Cụ thể, Bắc Kinh có thể hành động quyết liệt với Philippines và mềm mỏng với Việt Nam, theo giới quan sát.
Các động thái quyết liệt của Bắc Kinh với Manila có thể đặc biệt diễn ra ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas) vì trước đó Philippines đã công khai những động thái hung hăng của Trung Quốc, đồng thời cam kết bảo vệ các quyền lãnh thổ của mình, SCMP trích lời Abdul Rahman Yaacob, nhà nghiên cứu của Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy.
“Tôi không nghĩ các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạch định quốc phòng của Bắc Kinh muốn gây hấn với Việt Nam và Philippines cùng lúc vì như thế họ sẽ phải kéo dài nguồn lực của mình”, ông nói thêm.
Vị tiến sĩ cũng nhận xét rằng Trung Quốc đã thành công ở một mức độ nào đó khi nỗ lực xây dựng hình ảnh Philippines như một "kẻ vô lý" trong tranh chấp Biển Đông, khi một số quan chức ở khu vực Đông Nam Á đã bày tỏ mối quan ngại, cho rằng Manila đang liều lĩnh.
"Trung Quốc muốn bêu tên Philippines như là một kẻ dị biệt, cùng lúc đó họ tăng cường luận điệu rằng họ đã kiểm soát tranh chấp và không để xảy ra xung đột nào với các nước khác trong Đông Nam Á," Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế từ Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), chia sẻ với BBC vào cuối tháng 6/2024.
Ông Koh đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc không muốn gây xích mích không cần thiết trong mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á khác, ít nhất là với Indonesia, Malaysia và Việt Nam khi đang "bận tay" với Philippines.
Giải thích cho việc Bắc Kinh "mềm mỏng" hơn với Hà Nội trên Biển Đông so với Manila, các chuyên gia cho rằng vì ở chiều ngược lại, Hà Nội cũng không quyết liệt như Manila.
"Chiến lược của Việt Nam là không để cho các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng đến mối quan hệ lành mạnh khác với người hàng xóm phương Bắc. Đây là điều mà các quan chức Hà Nội luôn nhấn mạnh với tôi,” ông Abdul Rahman Yaacob nói với SCMP.
Giáo sư danh dự Carl Thayer tại Đại học New South Wales (Úc) thì cho rằng không giống như Philippines, Việt Nam đã tránh triển khai hải quân để đối đầu với tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Thay vào đó, Hà Nội đã triển khai tàu tuần duyên và tàu dân sự để giám sát các hoạt động của Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin của truyền thông Việt Nam về các sự cố trên biển và theo đuổi các kênh ngoại giao với Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông, theo ông Thayer.
Khang Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế và an ninh Đông Á tại Đại học Boston (Mỹ), cho biết cách đối xử khoan dung hơn của Bắc Kinh đối với Hà Nội là do Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ.
“Việt Nam cũng đã giữ kín những bất đồng của mình với Trung Quốc nhờ vào mối quan hệ giữa hai đảng. Những bí mật như vậy cho phép giảm leo thang dễ dàng hơn do cả hai bên đều không sợ mất mặt trước công chúng,” SCMP dẫn lời ông Khang Vũ.
Vào tháng 5/2024, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Romualdez đã viết về chiến lược chia để trị của Trung Quốc trên tờ Philippine Star.
Vị đại sứ cho rằng "chia để trị" là "câu thần chú mới" mà Trung Quốc sử dụng để gây chia rẽ trong Philippines lẫn trên trường quốc tế. Ông cũng kêu gọi mọi người đoàn kết, bác bỏ những thông tin sai lệch mà Trung Quốc lan truyền.
Trước đó vào tháng 4/2024, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố rằng họ và Philippines đã đạt được một "mô hình mới" để giải quyết tranh chấp tại Bãi Cỏ Mây.
Sau đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines đều bác bỏ thông tin này, khẳng định không có thỏa thuận nào được ký kết.
Các quan chức Philippines cho rằng đây là một "mưu đồ chia rẽ" và nhằm mục đích làm xao nhãng dư luận trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines đã lên án mạnh mẽ hành vi này và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động gây căng thẳng.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) hồi tháng 5/2024 nhận định Việt Nam và Philippines là hai nước dễ bị tổn thương bởi chính sách "chia để trị" của Trung Quốc.
Ông nói với BBC hồi tháng 1/2024:
“Hậu quả cuộc chiến tranh trên Biển Đông là khôn lường, không đơn thuần là xung đột Việt Nam với Trung Quốc hay Philippines với Trung Quốc. Đám lửa có thể bùng lên tới mức không ai kiểm soát được.
“Do đó, chiến lược tốt nhất của Trung Quốc là ‘tằm ăn dâu’, tức là dần dần đẩy đuổi Việt Nam và Philippines… rồi biến thành điều gọi là ‘bình thường mới’, và dần dần ép các nước chấp nhận thực tế mới của Trung Quốc. Đây là chiến lược tương đối hữu hiệu của Trung Quốc.”
Bắc Kinh cũng lo ngại về Nhật Bản
Bắc Kinh cũng đang lo ngại về việc Nhật Bản tăng cường mối quan hệ quân sự với Việt Nam và Philippines, theo bài viết trên SCMP hôm 12/8.
Và Bắc Kinh có thể tìm cách chống lại các hoạt động như vậy trong khu vực, theo các nhà quan sát.
Nhật Bản đã cam kết tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tuần này trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara.
Trong chuyến thăm, Tokyo cho biết sẽ cung cấp hai xe vận tải tiếp tế cho Hà Nội như một phần của thỏa thuận về thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ.
Tiến sĩ Collin Koh cho rằng việc Nhật Bản cung cấp hàng hóa liên quan đến an ninh cho Việt Nam không có gì đáng ngạc nhiên, vì trước đây họ đã cung cấp viện trợ cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Nhưng ông Koh nhấn mạnh đây là một "bước đi đáng chú ý" vì thỏa thuận gần đây do Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ đạo chứ không phải do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chỉ đạo như trước đây.
"Tôi tin rằng đây chỉ là bước đi thử nghiệm. Việc chuyển giao mới nhất này có khả năng nâng lên thành việc chuyển giao hoặc bán các thiết bị tinh vi hơn trong tương lai, chẳng hạn như radar," SCMP dẫn lời ông Koh.
Tiến sĩ Koh nói Trung Quốc sẽ "cảnh giác" với diễn biến này, đồng thời ông cho biết rằng Nhật Bản có quan hệ kinh tế chặt chẽ và mối quan hệ an ninh ngày càng tăng với Việt Nam.
"Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ đi đến giả định dài hạn rằng một ngày nào đó trong tương lai Tokyo sẽ chuyển giao hoặc bán vũ khí gây chết người cho Việt Nam," ông Koh nhận định.
Greg Poling, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington DC (Mỹ), cho biết thỏa thuận gần đây giữa Nhật Bản và Việt Nam có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc hơn.
Về cuộc tập trận hàng hải gần đây của Nhật Bản với Philippines, ông Poling cho rằng đây "chỉ là diễn biến mới nhất trong một loạt các hoạt động trong mối quan hệ an ninh [của họ]".
Các chuyên gia cũng nhận định vai trò an ninh của Tokyo đối với Đông Nam Á ngày càng có tầm ảnh hưởng hơn, gây trở ngại cho nỗ lực của Trung Quốc trong việc thống trị khu vực này.
Vì Nhật Bản là nước không có yêu sách trên Biển Đông, sự can thiệp của họ, theo một số nhà quan sát, là xu hướng đáng lo ngại đối với Trung Quốc vì họ không thích "các thế lực bên ngoài" can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ.
Việt Nam và Philippines nên làm gì?
Nhận định với BBC Tiếng Việt vào hôm 12/8 về việc hai nước Việt Nam và Philippines nên làm gì để đối phó với chiến lược "chia để trị" của Trung Quốc, nhà phân tích Don McLain Gill nói:
"Cả Manila và Hà Nội phải nỗ lực xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cơ bản song phương để đưa ra sự hiểu biết chung về biên giới tranh chấp của họ.
Điều này sẽ giúp cung cấp một lộ trình để giải quyết các hoạt động như xâm nhập từ phía Trung Quốc, đồng thời giảm bớt các điểm xung đột giữa hai nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền chồng chéo."
Ông Gill cũng nhấn mạnh điều quan trọng là hai bên phải tăng cường phối hợp, đồng thời tôn trọng các vấn đề quốc gia nhạy cảm nhằm tối đa hóa lợi ích mà không xảy ra xung đột trong tương lai
"Một khi các nước này phát triển mối quan hệ và lòng tin mạnh mẽ hơn với nhau, sẽ khó khăn hơn cho Trung Quốc theo đuổi chiến lược chia để trị," nhà phân tích nói với BBC vào ngày 6/8.
Trước đó vào tháng 5/2024, các chuyên gia của DKI APCSS cũng cho rằng Philippines và Việt Nam nên củng cố hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chung trước những "hoạt động cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông.
"Cho dù tồn tại những khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống chính trị, hai quốc gia có chung những lợi ích cốt lõi, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác," Inquirer dẫn lời Tiến sĩ Lori Forman của DKI APCSS.