13/11/2024
BBC News
Ông Trump đã chọn nữ dân biểu Elise Stefanik, người từng chỉ trích Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc
Một tuần sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024, những nền móng về nhiệm kỳ tổng thống mới của ông đã bắt đầu hình thành.
Tổng thống đắc cử đã công bố gần chục nhân sự được bổ nhiệm, những bước đầu tiên để hoàn thiện đội ngũ nhân viên tại Nhà Trắng và các bộ quan trọng trong chính phủ.
Ông Trump cũng đưa ra bình luận với giới truyền thông và trên mạng xã hội, nêu bật những ưu tiên của mình khi nhậm chức vào tháng 1/2025, đặc biệt tập trung vào chính sách nhập cư và đối ngoại.
Sau một khởi đầu đôi khi hỗn loạn trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đang đặt nền móng cho chính quyền sắp tới với một kế hoạch được xác định rõ ràng hơn – và một đội ngũ nhân sự để sẵn sàng thực hiện kế hoạch đó.
Một đội ngũ cứng rắn về nhập cư đã sẵn sàng
Một số cuộc bổ nhiệm mới được ông Trump công bố cho thấy lời hứa của ứng viên Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử về việc trục xuất hàng triệu người di cư đang sống tại Mỹ mà không có giấy tờ không phải chỉ là hô hào.
Stephen Miller, cố vấn thân cận và là người viết diễn văn của ông Trump kể từ năm 2015, là lựa chọn của ông cho vị trí phó chánh văn phòng Nhà Trắng phụ trách chính sách. Ông Miller có thể sẽ định hình các kế hoạch trục xuất hàng loạt - và cắt giảm cả những đối tượng không có giấy tờ lẫn nhập cư hợp pháp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cố vấn Miller đã tham gia vào việc phát triển một số chính sách nhập cư nghiêm ngặt nhất của chính quyền.
Thomas Homan, quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, đã ủng hộ chính sách của ông Trump về việc tách các gia đình không có giấy tờ bị giữ tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Giờ đây, ông trở lại với một vai trò thậm chí còn lớn hơn, với tư cách là "sa hoàng nhập cư" của ông Trump.
"Tôi sẽ điều hành lực lượng trục xuất lớn nhất mà đất nước này từng chứng kiến," ông Homan phát biểu tại một hội nghị bảo thủ vào tháng 7/2024.
Những người chỉ trích đã cảnh báo rằng kế hoạch trục xuất hàng loạt của ông Trump có thể tiêu tốn hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với đài NBC News tuần trước, tổng thống đắc cử cho biết chi phí không phải là vấn đề.
"Những kẻ đã giết chóc, những trùm buôn lậu ma túy hủy hoại các quốc gia, và giờ đây chúng sẽ phải quay trở lại những quốc gia đó vì chúng không ở lại đây [nước Mỹ]," ông nói. "Không có cái giá nào cả."
'Diều hâu' chống Trung Quốc lên ngôi
Nhiều người bảo thủ tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế thống trị toàn cầu liên tục của Mỹ, cả về kinh tế và quân sự. Trong khi ông Trump tỏ ra thận trọng hơn, giới hạn hầu hết các lời chỉ trích của mình về Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, ông đang lấp đầy đội phụ trách chính sách đối ngoại của mình bằng những người chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ.
Tổng thống đắc cử đã chọn Dân biểu liên bang Mike Waltz của bang Florida, một đại tá quân đội đã nghỉ hưu, làm cố vấn an ninh quốc gia - một vị trí phụ trách chính sách đối ngoại quan trọng trong Nhà Trắng. Ông Waltz đã nói rằng Mỹ đang trong "Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc, và là một trong những thành viên đầu tiên trong Quốc hội kêu gọi Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.
Vào tháng 10/2024, Dân biểu Elise Stefanik, người mới được ông Trump chọn làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đã cáo buộc Trung Quốc "can thiệp bầu cử một cách trắng trợn và ác ý" trong bối cảnh có báo cáo rằng tin tặc được Trung Quốc hậu thuẫn đã cố gắng thu thập thông tin từ điện thoại của cựu tổng thống.
Trong khi ông Trump vẫn chưa chính thức nêu tên người được ông chọn làm ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio - một người cứng rắn với Trung Quốc khác - dường như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ đứng đầu ngành ngoại giao. Năm 2020, ông Rubio đã bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt sau khi ông thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh do đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc thường không suôn sẻ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong bối cảnh xảy ra tranh chấp thương mại và đại dịch Covid. Chính quyền Biden, dù giữ nguyên nhiều mức thuế đối với Trung Quốc từ thời ông Trump và áp đặt một số mức thuế mới, chỉ phần nào xoa dịu được tình hình. Có vẻ như chính quyền Trump sắp tới sẽ tiếp tục công việc mà nhiệm kì trước đã bỏ dở.
Elon Musk và Robert F Kennedy Jr thành lập nội các bóng tối
Trong khi danh sách những người được ông Trump bổ nhiệm vào các vị trí chính trị ngày càng dài, vẫn còn một nhóm khác dù nhỏ nhưng có ảnh hưởng cực kỳ lớn.
Tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã thường xuyên hiện diện tại trụ sở chuyển giao quyền lực của ông Trump, dinh thự Mar-a-Lago ở Florida. Theo thông tin trên truyền thông, ông Musk đang tư vấn cho tổng thống đắc cử về những người được đề cử vào nội các và thậm chí đã tham gia cuộc nói chuyện giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước.
Vào đêm bầu cử 5/11, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ giao cho ông Musk làm việc với doanh nhân công nghệ và cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy trong một "Bộ Chính phủ Hiệu quả" có nhiệm vụ xác định các khoản cắt giảm ngân sách mới.
Ông Musk thường xuyên đưa ra quan điểm chính trị của mình trên nền tảng truyền thông xã hội X do ông sở hữu, bao gồm cả việc ủng hộ Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott cho vị trí lãnh đạo phe đa số tiếp theo của Thượng viện.
Ủy ban hành động chính trị của tỷ phú Elon Musk đã chi khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và ông hứa sẽ tiếp tục tài trợ cho các nỗ lực của nhóm này nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của tổng thống đắc cử và hỗ trợ các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
Trong khi đó, vẫn chưa biết Robert F. Kennedy Jr, một nhân vật chủ chốt khác, sẽ đóng vai trò gì. Ông Trump đã nói rằng ông có kế hoạch trao cho cựu đảng viên Dân chủ và người hoài nghi về hiệu quả của vắc xin Covid-19 một vai trò trong việc đưa nước Mỹ trở lại "khỏe mạnh". Ông Kennedy Jr là người đã từ bỏ chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ độc lập để chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa.
"Ông ấy [Robert F. Kennedy Jr] muốn làm một số việc và chúng tôi sẽ để ông ấy làm," ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng bầu cử của mình.
Ưu tiên quyền lực của tổng thống hơn Quốc hội
Trong khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức, Đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện và vẫn có thể giành được Hạ viện, mặc dù với tỷ lệ sít sao. Tuy nhiên, những hành động đầu tiên của tổng thống đắc cử cho thấy ông quan tâm nhiều hơn đến việc thực thi quyền lực tổng thống của mình hơn là làm việc với nhánh lập pháp.
Tuần trước, ông đã đăng trên mạng xã hội rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều "cuộc bổ nhiệm trong kì nghỉ" hơn - cho phép ông lấp đầy các vị trí hành chính hàng đầu mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện khi Quốc hội không họp. Cách làm này sẽ củng cố quyền lực của tổng thống bằng cách làm suy yếu vai trò hiến định của Thượng viện là "tham vấn và chấp thuận" đối với những người được bổ nhiệm chính trị.
Trong khi đó, tổng thống đắc cử vẫn tiếp tục làm suy yếu thế đa số mỏng đó của quốc hội. Các thượng nghị sĩ chuyển sang các vai trò hành chính có thể nhanh chóng được thay thế bằng cách bổ nhiệm thống đốc từ tiểu bang quê hương của họ. Nhưng bất kỳ vị trí nào còn trống tại Hạ viện - chẳng hạn như những vị trí do các dân biểu Elise Stefanik và Mike Waltz để lại - đều yêu cầu phải tổ chức các cuộc bầu cử đặc biệt có thể mất nhiều tháng để lên lịch.
Một số cố vấn của ông Trump, bao gồm cả tỷ phú Musk, đã cảnh báo rằng tổng thống đắc cử có thể gây nguy hiểm cho chương trình nghị sự lập pháp của mình nếu ông lấy đi quá nhiều đảng viên Cộng hòa từ Quốc hội.
Ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất, công tác lập pháp tại Quốc hội cũng cần thời gian, nỗ lực và sự thỏa hiệp. Hành động hành pháp, chẳng hạn như tăng cường thực thi luật nhập cư mới, có thể được thực hiện chỉ bằng một chữ ký của tổng thống.
Hành động của ông Trump cho thấy ông tập trung nhiều hơn vào hành pháp, ít nhất là vào thời điểm này.
Ban thưởng những người trung thành
Ông Trump mới chỉ bắt đầu lấp đầy hàng ngàn vị trí sẽ mở ra với chính quyền tổng thống mới, chưa kể các viên chức cấp cao mà ông đã nói sẽ thay thế.
Năm 2016, với tư cách là một người mới bước chân vào chính trị, ông phải dựa vào nhiều đảng viên Cộng hòa cho các vai trò quan trọng. Lần này, ông có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng với thành tích đã được chứng minh trong việc ủng hộ ông, và sau tám năm, những người trung thành với ông Trump là những thành phần chính của Đảng Cộng hòa.
Ngày 12/11, ông Trump đã bổ nhiệm Thống đốc bang Nam Dakota Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa, và người dẫn chương trình của Fox News kiêm tác giả bảo thủ Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cả hai đều là những người bảo vệ ông Trump quyết liệt ngay từ đầu.
Những người khác, như ông Rubio và bà Stefanik, ban đầu là những người chỉ trích Trump trong lần đầu tiên ông tranh cử tổng thống, nhưng giờ đây họ đã dành nhiều năm để chứng minh rằng những lời chỉ trích gay gắt đó đã là quá khứ.
Tuy nhiên, Marco Rubio, người từng tranh cử tổng thống đối đầu với ông Trump vào năm 2016, vẫn có thể có tham vọng vào Nhà Trắng. Ông Trump thường không hài lòng với những người được bổ nhiệm có vẻ thu hút sự chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, và ngay cả những mối quan hệ tốt nhất cũng có thể trở nên xấu đi.
Ông Trump có thể đang đặt nặng lòng trung thành với các thông báo ban đầu về nhân sự của mình, nhưng áp lực của việc điều hành cuối cùng sẽ cho thấy liệu bốn năm thứ hai tại nhiệm của ông có khác với lần đầu tiên hay không.