Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad thăm căn cứ không quân Hmeymim tại Syria vào năm 2017.
Tổng thống bị lật đổ của Syria, ông Bashar al-Assad,đã chạy tới Nga, nước đã bảo trợ ông ta trong nhiều năm.
Chính sức mạnh quân sự của Nga đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad duy trì quyền lực suốt chín năm qua.
Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày qua, dự án của Kremlin tại Syria đã sụp đổ và rõ ràng Moscow đã không thể làm gì để ngăn chặn.
Trong một tuyên bố vào hôm qua 8/12, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng ông Assad đã rời khỏi ghế tổng thống và rời khỏi Syria (nhưng không cho biết ông ta đã đến đâu).
Bộ này cũng cho biết Moscow đang "theo dõi các diễn biến kịch tính tại Syria với sự quan ngại sâu sắc".
Sự sụp đổ của chế độ Assad là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Nga.
Khi đưa hàng ngàn binh sĩ đến hỗ trợ Tổng thống Assad vào năm 2015, một trong những mục tiêu chính của Nga là khẳng định vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu. Đây là thách thức lớn đầu tiên mà Vladimir Putin đưa ra để đương đầu với sức mạnh và sự thống trị của phương Tây, bên ngoài không gian của Liên Xô cũ.
Và dường như bước đi này là một thành công. Năm 2017, Tổng thống Putin đã đến thăm căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Syria và tuyên bố rằng nhiệm vụ đã hoàn thành. Bất chấp các thông tin được phổ biến rộng rãi về việc các chiến dịch không kích của Nga gây thương vong cho dân thường, Bộ Quốc phòng Nga vẫn tự tin đến mức đưa các nhà báo quốc tế đến Syria để chứng kiến các chiến dịch quân sự của họ ở đây.
Trong một chuyến đi như vậy, tôi nhớ một sĩ quan đã nói với tôi rằng Nga tới Syria là "để ở lâu dài."
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở uy tín.
Đổi lại sự hỗ trợ quân sự, chính quyền Syria đã trao cho Nga quyền thuê căn cứ không quân ở Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartus trong 49 năm. Nga đã thiết lập được một chỗ đứng quan trọng ở Đông Địa Trung Hải. Các căn cứ này trở thành trung tâm để đưa các nhà thầu quân sự ra vào châu Phi.
Một câu hỏi quan trọng đối với Moscow lúc này là: điều gì sẽ xảy ra với các căn cứ của Nga ở Syria?
Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng các căn cứ của họ tại Syria đã được đặt "trong tình trạng báo động cao", nhưng khẳng định hiện tại "không có mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với chúng".
Assad là đồng minh trung thành nhất của Nga ở Trung Đông. Kremlin đã đầu tư rất lớn vào ông ta, đổ nhiều nguồn lực – tài chính, quân sự và chính trị – để giữ ông ta tại vị. Giới chức Nga sẽ gặp khó khăn trong việc diễn giải sự sụp đổ của Assad theo cách nào đó, ngoài việc coi đây là một thất bại đối với Moscow.
Tuy nhiên, trong một bài đăng trên mạng xã hội, Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga, đã viết:
"Những gì đang xảy ra ở Syria rất khó khăn đối với tất cả mọi người, không có ngoại lệ nào… một thảm kịch cho tất cả."
"Đối với người Nga, ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo an ninh cho công dân của mình, bao gồm cả dân thường – đặc biệt là các nhà ngoại giao và gia đình của họ – và tất nhiên là cả các quân nhân."