Thời Sự

Nguồn tin: Trung Quốc cân nhắc phá giá đồng nhân dân tệ khi rủi ro thương mại của Trump đang rình rập

Hình minh họa cho thấy xe đẩy hàng chứa tiền đô la và nhân dân tệ trên nền cờ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng thống đắc cử Donald Trump dọa sẽ áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc đang cân nhắc việc cho phép làm suy yếu đồng nhân dân tệ vào năm 2025 giữa bối cảnh họ chuẩn bị đối phó với mức thuế quan thương mại cao hơn của Hoa Kỳ khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Động thái được cân nhắc này phản ánh sự thừa nhận của Trung Quốc rằng họ cần có biện pháp kích thích kinh tế lớn hơn để chống lại các mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt thương mại của ông Trump, theo những người hiểu biết về vấn đề này cho biết.

Ông Trump đã nói rằng ông có kế hoạch áp dụng mức thuế nhập khẩu phổ cập 10% và mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

Việc để đồng nhân dân tệ mất giá có thể khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, làm giảm tác động của thuế quan và tạo ra các thiết lập tiền tệ lỏng lẻo hơn ở Trung Quốc đại lục.

Reuters đã nói chuyện với ba người có hiểu biết về các cuộc thảo luận về việc phá giá đồng nhân dân tệ. Những người này yêu cầu được giấu tên vì họ không được phép nói công khai về vấn đề này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, đơn vị xử lý các truy vấn của giới truyền thông cho chính phủ, cũng không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.

Financial News, ấn phẩm của PBOC, sau đó đã đăng một bài viết nói rằng nền tảng cho tỷ giá hối đoái "ổn định về cơ bản" của đồng nhân dân tệ vẫn "vững chắc" và rằng đồng nhân dân tệ có khả năng ổn định và mạnh lên vào cuối năm nay.

Các nguồn tin cho biết việc cho phép đồng nhân dân tệ mất giá vào năm tới sẽ đi chệch khỏi thông lệ thông thường là giữ tỷ giá hối đoái ổn định.

Đồng nhân dân tệ, vốn được quản lý chặt chẽ, có biên độ tỉ giá 2% do ngân hàng trung ương ấn định. Các bình luận về chính sách từ các quan chức cấp cao thường bao gồm các cam kết giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định.

Một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề cho biết rằng mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc khó có thể nói rằng họ sẽ không giữ giá đồng tiền này nữa, nhưng họ sẽ nhấn mạnh việc cho phép thị trường có nhiều quyền hơn trong việc quyết định giá trị của đồng nhân dân tệ.

Tại cuộc họp tuần này của Bộ Chính trị, một cơ quan ra quyết định của các quan chức Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã cam kết sẽ áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng một cách thích hợp" vào năm tới, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này nới lỏng lập trường chính sách như vậy trong khoảng 14 năm qua.

Các bình luận tại cuộc họp không đề cập đến nhu cầu về một "đồng nhân dân tệ ổn định một cách cơ bản", vốn lần gần nhất được đề cập vào tháng 7 nhưng cũng không có trong bản báo cáo tháng 9.

Chính sách đồng nhân dân tệ đã được đề cập nhiều trong các ghi chú của các nhà phân tích tài chính và các cuộc thảo luận của các nhóm nghiên cứu khác trong năm nay.

Trong một bài báo do nhóm nghiên cứu hàng đầu China Finance 40 Forum công bố vào tuần trước, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc nên tạm thời chuyển từ việc neo đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ sang liên kết nó với một nhóm các loại tiền tệ không phải đô la, đặc biệt là đồng euro, để đảm bảo tỷ giá hối đoái linh hoạt trong thời kỳ căng thẳng thương mại.

Một nguồn tin thứ hai nắm được ý định của ngân hàng trung ương nói với Reuters rằng PBOC đã cân nhắc khả năng đồng nhân dân tệ có thể giảm xuống mức 1 USD tương đương 7,5 nhân dân tệ để chống lại bất kỳ cú sốc thương mại nào.

Đó là mức mất giá khoảng 3,5% so với mức hiện tại là 1 USD tương đương khoảng 7,25 nhân dân tệ.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump với tư cách là tổng thống, đồng nhân dân tệ đã suy yếu hơn 12% so với đô la Mỹ trong bối cảnh một loạt các thông báo về thuế quan trả đũa từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2020.

Lựa chọn khó khăn

Một đồng nhân dân tệ mất giá có thể giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi họ tìm cách đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% được kỳ vọng là đầy thách thức và giảm bớt áp lực giảm phát bằng cách thúc đẩy thu nhập từ xuất khẩu và làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt hơn.

Một sự suy giảm mạnh trong xuất khẩu sẽ tạo thêm lý do để nhà chức trách tìm cách sử dụng đồng tiền này bảo vệ lĩnh vực vốn đang hoạt động tốt của nền kinh tế.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh và nhập khẩu bất ngờ giảm vào tháng 11. Điều này thúc đẩy những lời kêu gọi hỗ trợ chính sách nhiều hơn để tăng nhu cầu trong nước.

"Công bằng mà nói, đó là một lựa chọn chính sách. Điều chỉnh tiền tệ đang được xem xét như một công cụ để giảm thiểu tác động của thuế quan", kinh tế gia trưởng khu vực châu Á của HSBC Fred Neumann cho biết.

Nhưng, theo ông, đó sẽ là một lựa chọn chính sách thiển cận.

"Nếu Trung Quốc hạ giá đồng tiền một cách quyết liệt, điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một loạt thuế quan và các quốc gia khác lúc đó sẽ nói rằng, nếu đồng tiền Trung Quốc suy yếu đáng kể, thì chúng ta có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc", ông Neumann nói.

"Vì vậy, có một chút rủi ro ở đây là nếu Trung Quốc sử dụng góc độ tiền tệ của mình một cách quá quyết liệt, điều này có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ các đối tác thương mại khác và điều đó không vì lợi ích của Trung Quốc".

Dự báo chung của các nhà phân tích là đồng nhân dân tệ sẽ giảm xuống còn 7,37 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm sau, mặc dù một yếu tố chính sẽ là mức tăng thuế của ông Trump sẽ đến đâu và tốc độ tăng như thế nào.

Đồng tiền này đã mất gần 4% giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ cuối tháng 9 khi các nhà đầu tư hướng vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Ngân hàng trung ương trước đây đã kiềm chế sự biến động và các động thái hỗn loạn của đồng nhân dân tệ thông qua tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho các thị trường và thông qua việc mua và bán đồng tiền của các ngân hàng nhà nước.

Giá trị của đồng nhân dân tệ, hay còn gọi là renminbi (RMB), đã bấp bênh kể từ năm 2022 và bị kéo xuống bởi nền kinh tế yếu kém và dòng vốn giảm từ nước ngoài chảy vào thị trường Trung Quốc. Lãi suất của Hoa Kỳ cao hơn và lãi suất của Trung Quốc giảm cũng khiến đồng tiền này chịu áp lực.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã giảm khoảng 0,3% xuống còn 7,2854 nhân dân tệ đổi 1 USD sau bản tin của Reuters. Giá trị của đồng won của Hàn Quốc cũng giảm và đồng đô la Úc cũng như đô la New Zealand, vốn nhạy cảm với Trung Quốc, cũng bị mất giá.

Trong những ngày tới, mục tiêu tăng trưởng, thâm hụt ngân sách và các mục tiêu khác của năm tới sẽ được thảo luận – nhưng không được công bố – tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, được gọi là Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC).

Cam kết "duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ ở mức hợp lý và cân bằng" đã được đưa vào bản tóm tắt của CEWC từ năm 2020, 2022 và 2023. Cam kết này không được đưa vào bản tóm tắt của năm 2019 và 2021.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search