Thời Sự

Quan hệ Việt - Trung 75 năm: 'chia sẻ tương lai' giữa những thách thức và bất đồng

19/1/2025

    BBC News

Thông điệp trong điện mừng trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc cho thấy những cam kết, định hướng cho tương lai nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng là cơ hội nhìn lại một hành trình dài nhiều hợp tác và cạnh tranh.

Trong điện mừng gửi tới Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Hà Nội để xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược, theo Tân Hoa Xã vào thứ Bảy 18/1.

'Chia sẻ tương lai'

Theo ông Tập, Trung Quốc và Việt Nam, hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa hữu nghị, là một cộng đồng cùng chung tương lai mang ý nghĩa chiến lược.

Ông Tập cho rằng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 75 năm, hai bên đã cùng chiến đấu và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, đồng thời nhấn mạnh "tình hữu nghị sâu sắc vừa là đồng chí vừa là anh em giữa Việt Nam và Trung Quốc" đã trở thành hình ảnh sống động nhất mô tả mối quan hệ giữa hai đảng và hai quốc gia.

Nhắc lại chuyến thăm thành công tới Việt Nam vào năm 2023, ông Tập cho biết hai bên đã cam kết xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - Việt Nam cùng chung tương lai mang ý nghĩa chiến lược, nâng tầm quan hệ giữa hai đảng và hai nước lên một giai đoạn phát triển mới.

Theo tường thuật của Tân Hoa Xã, ông Tập cho rằng khi những thay đổi của thế giới, thời đại và lịch sử đang diễn ra theo cách chưa từng có, việc Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của hai đảng và hai nước mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu, cũng như đối với hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Đáp lại, điện mừng, thư mừng từ lãnh đạo Việt Nam gửi cho phía Trung Quốc do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố có đoạn:

"Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực biến đổi sâu sắc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn then chốt, lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Đây là trách nhiệm vinh quang và là đòi hỏi tất yếu khách quan, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của hai Đảng và hai dân tộc."

Nhân dịp kỷ niệm này, hai nước cũng thống nhất triển khai Năm giao lưu nhân văn 2025. Chương trình sẽ có nhiều hoạt động cụ thể, trong đó có tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, mời các cựu cố vấn, chuyên gia Trung Quốc đã từng giúp đỡ Việt Nam sang thăm Việt Nam. Nhân dân hai bên biên giới, nhất là ở các tỉnh biên giới cũng sẽ được tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu hữu nghị.

''Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực của Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc sẽ đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết giữa người dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng xã hội cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược,'' báo Nhân Dân trích lời Thứ trưởng thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ ngày 19/1.

Trước đó, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/1 nhân dịp kỷ niệm này được truyền thông hai nước đưa tin với một số khác biệt.

Báo chí hai nước tường thuật hai nhà lãnh đạo đề nghị giải quyết các bất đồng giữa hai bên, nhưng báo chí phía Việt Nam đưa thêm chi tiết "trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".

Tân Hoa Xã đưa tin ông Tô Lâm "thực sự ngưỡng mộ các thành tựu phát triển to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tin tưởng Trung Quốc sẽ tận dụng lợi thế về quy mô kinh tế và phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển."

Ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam tích cực ủng hộ ba sáng kiến toàn cầu lớn do ông Tập đề xuất và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ này.

Ba sáng kiến mà Tân Hoa Xã nhắc chính là sáng kiến "Văn minh toàn cầu", "Phát triển toàn cầu" và "An ninh toàn cầu".

Cũng theo báo này, ông Tô Lâm cho biết, với mục tiêu chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Trên con đường hướng tới "kỷ nguyên vươn mình", ông Tô Lâm nói rằng "Việt Nam sẽ học hỏi tối đa kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là sự đổi mới lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".

Đây là chi tiết không được tìm thấy trên báo chí ở Việt Nam khi viết về cuộc điện đàm.

Năm 2018, "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" đã được ghi trong hiến pháp Trung Quốc.

Đó là một hệ tư tưởng mang tên ông Tập. Trước ông Tập, mới chỉ có lãnh tụ Mao Trạch Đông có được một hệ tư tưởng mang tên mình.

Chặng đường 75 năm thành công và sóng gió

Vào ngày 18/1/1950, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Thông Tấn Xã Việt Nam, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Công nghiệp Chiết Giang, đã nhắc lại viện trợ vật chất và tinh thần của Trung Quốc "trong cuộc chiến chống ngoại xâm và quá trình thống nhất đất nước của Việt Nam".

Dẫn lời của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Thành nói rằng 700 triệu người dân Trung Quốc là sự hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, Trung Quốc bao la là hậu phương tin cậy của nhân dân Việt Nam.

Khi điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trong bảy thập kỷ qua, một số báo trong nước không nhắc đến các mốc lịch sử từ năm 1950 đến 1991.

Ngày 17/2/1979 đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biên giới hai nước, sau khi Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ xâm nhập bằng vũ lực nhỏ lẻ dọc biên giới.

Cuộc chiến diễn ra chưa đầy một tháng, từ 17/2 đến 16/3/1979, nhưng các nhà nghiên cứu và quan sát đánh giá đây là cuộc chiến khốc liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng từng là đồng minh trong Chiến tranh Việt Nam.

Trên thực tế, sau ngày 16/3/1979, xung đột còn kéo dài suốt hơn 10 năm, Trung Quốc vẫn duy trì nhiều quân áp sát biên giới và hai bên vẫn không ngừng giao tranh, mãi đến năm 1991 thì mới bình thường hóa quan hệ.

Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp định phân chia biên giới trên đất liền. Mười năm sau đó, hai nước ký thêm ba văn kiện về biên giới đất liền, và tuyên bố kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Trong một thời gian dài, đã có nhiều tranh cãi trong dư luận về tính công bằng và minh bạch về các hiệp định và quyết định này.

Mặc dù vậy, Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình nói với Thông Tấn Xã Việt Nam rằng từ năm 1991 đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng khoảng 6.400 lần (từ mức 32 triệu USD lên 200 tỷ USD).

Theo ông Bình, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 31,8 tỷ USD. Năm 2014, quốc gia này chỉ đứng thứ 9 với tổng vốn đăng ký tích lũy khoảng 8 tỷ USD.

Năm 2023, Việt Nam đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm.

Chính quyền và báo chí Việt Nam đánh giá đây là một thành quả của chiến lược ngoại giao của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vào tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao thành Đối tác chiến lược toàn diện - mức cao nhất trong quan hệ hai nước.

Khoảng ba tháng sau đó, vào tháng 12/2023, Trung Quốc và Việt Nam đã chính thức nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, một cách gọi khác của cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc khởi xướng.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được coi là mối nguy an ninh lớn nhất đối với Việt Nam, từ các sự kiện trong quá khứ như Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (từ tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988) tới những yêu sách chủ quyền và các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc ngày nay.

Trong một vụ việc gần đây nhất, vào ngày 29/9/2024, lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc đã trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) "trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".

Đường chín đoạn của Trung Quốc

Vào đầu tháng 12/2024, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại chiến lược "3 + 3" về ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Sự kiện này không được đăng tải trên các tờ báo lớn của Việt Nam vào thời điểm đó.

Cơ chế "3+3" do các quan chức thuộc các bộ ngoại giao, quân đội và công an của hai nước đồng chủ trì, theo Hoàn Cầu Thời báo, đánh dấu cách thức đối thoại chiến lược chính thức đầu tiên giữa hai nước trên 3 lĩnh vực này.

Trung Quốc đã thiết lập cơ chế đối thoại "2+2" về ngoại giao và quốc phòng với các nước như Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan và Indonesia nhưng vẫn chưa thiết lập cơ chế "3+3" với bất kỳ quốc gia nào khác.

Vào cuối tháng 12/2024, nhiều công ty vũ khí từ 27 quốc gia bao gồm Iran, Israel, Trung Quốc, Nga, Mỹ đã tham gia trưng bày khí tài quân sự tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Những năm gần đây, Việt Nam cũng đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp, giảm dần phụ thuộc vào nhà cung cấp truyền thống là Nga, đặc biệt kể từ sau khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Kyiv.

Sự thay đổi này cho phép các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, Mỹ và một số nước khác cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu quốc phòng ngày càng tăng của Việt Nam.

Nhưng giáo sư Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, nhận định trên Reuters hồi tháng 11 rằng Việt Nam nếu có thỏa thuận với Trung Quốc thì sẽ chỉ giới hạn ở các thiết bị, khí tài phi chiến đấu như hậu cần, vận tải và quân y.

"Việt Nam không thể trông cậy vào Trung Quốc về vũ khí quân sự giá trị lớn cho quân đội, hải quân và lực lượng phòng không - không quân vì nguy cơ Trung Quốc sẽ đình chỉ mọi thỏa thuận và tiếp tế vào thời điểm căng thẳng," Giáo sư Thayer lí giải.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search