Thơ Văn

Thơ Văn

CHO MÃI NGÀN NĂM

Cho Mãi Ngàn Năm

Phạm Văn Bản

 

Boeing Quốc Phòng (Boeing Defense) trực thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ – Ngày 6 tháng 11 năm 2019 hãng Boeing sản xuất phi cơ quân sự St Louis, tiểu bang Missouri tổ chức Lễ Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam lần đầu tiên, và tác giả là nhân viên của hãng sản xuất phi cơ thương mại Boeing Everett, tiểu bang Washington được mời làm diễn giả trong buổi Lễ Cựu Chiến Binh (Veterans Day) Hoa Kỳ, qua vai trò Trung Sĩ Thông Dịch Viên Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ, Trung Úy Hoa Tiêu Khu Trục Sư Đoàn 4 Không Quân trong Chiến Tranh Việt Nam, tù cải tạo 7 năm với bao gian khổ và vượt biên vào năm 1982.

Phạm Văn Bản

 

 

Nhân dịp Lễ Tình Yêu (Valentine Day) khi đang còn miệt mài công việc chế tạo phi cơ thương mại của hãng Boeing Everett, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ, chúng tôi muốn dành để ra ít phút trong giờ giải lao nhằm tỏ lòng cám ơn, ghi công và tôn vinh các chị, những người vợ lính đã có một thời cùng chồng chiến đấu trên khắp chiến trường, bảo vệ cuộc sống an bình cho toàn dân trên quê hương Việt Nam tư do, mà hiền thê của tôi cũng không ngoại lệ.

 

Nhưng sau ngày 30 tháng tư đen năm ấy, những Cô Gái Việt lại lâm cảnh sống vợ góa con côi, lam lũ tảo tần phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con thơ và nàng còn phải băng rừng vượt núi gánh gạo nuôi chồng, tù hàng binh đang bị giam giữ trong trại tập trung cải tạo ác nghiệt của giặc cộng thành lập trong vùng xa xôi, hẻo lánh ở chốn rừng thiêng nước độc.

 

Hôm nay những Cô Gái Việt ngày xưa ấy, đã hoàn thành trọng trách làm mẹ và làm vợ của người trai thế hệ được đúc kết trong đề tài Cho Mãi Ngàn Năm như một lời cám ơn của những người lính chiến chúng tôi, với ước mong được ghi vào mục “Vinh Danh Người Vợ Tù Chính Trị” của Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam.

 

 

 

Gia đình Thần Báo, trái qua phải: Đỗ Văn Mỹ, Đinh Tiến Đạo, Ca Sĩ Diễm Liên,

Chị Đạo, Chị Bản và Phạm Văn Bản trên Vùng Trời Kỷ Niệm

 

Ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Phi Đoàn Thần Báo 520, Không Đoàn 74 Chiến Thuật, Sư Đoàn 4 Không Quân, thì đơn vị chúng tôi có đặt mua số vịt đem về đánh tiết canh ở nhà tôi trong khu cư xá Hoàng Hoa 3 phi trường Bình Thủy, để chiều ấy mang vào làm tiệc khai vị cho lễ mừng sinh nhật phi đoàn. Bởi thế toàn thể anh em trong phi đoàn đã phải ra khu gia binh nhổ lông vịt, trong số ấy có xướng ngôn viên (MC, Master of Ceremonies) của buổi lễ kỷ niệm Thần Báo 520, là Trung Úy Đinh Tiến Đạo, hoa tiêu khu trục phản lực A 37 xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, và tốt nghiệp cùng Trường Phi Hành Sheppard AFB, tiểu bang Texas Hoa Kỳ vào thập niên 70 với nhóm phi công chúng tôi.

 

Ngày ấy người nấu nước kẻ vặt lông, hàn huyên tâm sự, rộn rã tiếng cười. Khi Đạo vừa qua giờ trực chiến, thì bạn ra khu Hoàng Hoa 3 tiếp tay với chúng tôi mà làm tiết canh vịt. Đạo vừa bước vào chào cả nhà, thì vợ tôi cũng đang ngồi nhổ lông vịt, quay lại nhìn Đạo và phá lên cười. Tôi chợt hiểu ý hiền thê nhìn lầm vua hài Đinh Thanh Hoài, chiều chiều diễn xuất trong chương trình vô tuyến truyền hình Quân Đội ở đài Cần Thơ. Đạo cũng hiểu ra thế và nói: “Chị Bản nhìn lầm

ông anh của em rồi!” Quả thật nhóm anh em nhà Đinh người nào cũng để ria mép và trông giống nhau như đúc… thương nhau rất mực, chưa hề lìa nhau cho mãi ngàn năm.

 

Kỷ niệm ngày ấy trải qua bao năm trường, biền biệt xa cách kể từ ngày giặc nội xâm chiếm đóng năm 1975 với bao vật đổi sao dời, kẻ ở người đi, nhớ thương khôn xiết. Tới nay bỗng dưng tái diễn bối cảnh trong Vùng Trời Kỷ Niệm do Hội Không Quân Việt Nam Cộng Hòa của Tiểu Bang Washington, Hoa Kỳ tổ chức tại Seattle, và gia đình chúng tôi có duyên may gặp lại bạn phi công Đinh Tiến Đạo năm xưa, cùng cháu Đinh Diễm Liêm, tức Ca sĩ Diễm Liên của “Đêm Tổ Quốc Không Gian Hội Ngộ.”

 

Cháu Liên còn là minh tinh “Vượt Sóng,” một cuốn phim gây nhiều cảm xúc và có tiếng vang trong cộng đồng phim ảnh quốc tế, đặc biệt, Cộng Đồng Người Việt hải ngoại cũng dành nhiều tình cảm ưu ái Diễm Liên trong nghệ thuật thứ bảy này. Qua người bạn hoa tiêu khu trục của phi đoàn, chúng tôi được biết thêm về người cha của Diễm Liên, anh ruột của Đinh Tiến Đạo, cũng là một sĩ quan và bị tù cải tạo 13 năm sau ngày mất nước. Tới năm 1991 gia đình Diễm Liên được định cư Hoa Kỳ theo chương trình HO5.

 

Trong thời thân phụ bị giam trong trại tù Việt Nam, Diễm Liên cùng thân mẫu và các chị em, hàng ngày làm bánh hay đan áo len làm phương kế sinh nhai, tìm nguồn tài chánh giúp mẹ nuôi cha trong lao tù. Vì biết mình là con quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, nên cháu bị nhà nước Cộng Sản bạc đãi cấm học, và cháu phải tự học và tự rèn luyện bản thân. Với giọng ca truyền cảm và tài năng thiên phú, Diễm Liên tự trang bị cho mình số vốn liếng nghệ thuật từ thuở thiếu thời, khi còn sinh hoạt trong ca đoàn Cam Ly xóm đạo năm xưa. Ngoài ca hát Diễm Liên còn đóng vai chính trong phim “Vượt Sóng: Journey of the Fall” do đạo diễn Trần Hàm thực hiện.

 

Cũng như thân mẫu ngày trước, Diễm Liên lập gia đình và nuôi con trong lúc người chồng lên đường nhập ngũ chinh chiến biền biệt phương trời Trung Đông xa xăm.

 

Câu chuyện khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh Hòn Vọng Phu trong Chánh Thuyết Tiên Rồng mà ngậm ngùi xúc động. Nàng sống cảnh cô đơn ở nhà, nuôi con trông chồng từng ngày. Chiều chiều khi ánh dương sắp tàn, khi việc nhà tạm yên, nàng bồng con bước ra trước ngõ, ngóng mong tìm thấy bóng chồng đang thấp thoáng cuối nẻo đường mây.

 

Xin hỏi, có hình ảnh nào đẹp, cảm động hơn cảnh người vợ hiền bồng con, ngóng chồng trong lúc hoàng hôn?

 

Có hình ảnh nào bộc lộ hơn niềm thương nỗi nhớ, tình lưu luyến chung thủy của nàng?

 

Bồng con, qua đứa con, nàng như đang ôm ấp trọn vẹn cả một mối tình dạt dào nhất của hai vợ chồng. Rồi dưới ánh chiều tà, bóng nàng trải dài trên mặt đất, càng tô đậm thêm niềm thương nỗi nhớ, cô đơn hiu quạnh của nàng Tô Thị trong lúc về đêm.

 

Qua vài nét tiểu sử của người ca sĩ trẻ họ Đinh, được chọn trong đêm văn nghệ Vùng Trời Kỷ Niệm, khiến chúng tôi nhớ lại hình ảnh của những người vợ lính chung tình bồng con, nuôi chồng trong tù cải tạo của Cộng Sản Việt Nam, dù cho xác thân nàng sẽ phải “hóa đá” như Hòn Vọng Phu – thì vẫn còn thương mãi ngàn năm!

 

Hơn tất cả, xin cho những người chinh phu như chúng tôi đây, được nói lên lời cám ơn đến các chị tần tảo tìm kế sinh nhai, thờ chồng nuôi con, băng rừng lội suối, nuôi chồng trong tù cải tạo. Trước mắt chúng tôi hôm nay, là những hình ảnh của Cô Gái Việt tô đậm trách nhiệm, niềm tự tin tự hào, đang thể hiện thiên chức làm vợ và làm mẹ như trong Ca Dao Việt Nam:

 

Anh đi em ở lại nhà

Hai vai gánh vác mẹ già con thơ

Lầm than bao quản nắng mưa

Anh đi anh cố chen đua với đời

Anh ơi phải lính thì đi

Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em

Tháng chạp là tiết trồng khoai

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà

Tháng ba cày vỡ ruộng ra

Tháng tư gieo mạ thuận hòa mọi nơi

Đến khi gặt hái xong rồi

Trời đổ mưa xuống nước trôi đầy đồng

Anh ơi giữ lấy việc công

Để em cày cấy mặc lòng em đây.

 

Khác biệt với những hình ảnh con người duy lợi duy vật như chúng ta đang thấy biểu hiện trong cuộc sống xã hội thời nay, thì trái lại Cô Gái Việt đã khuyến khích chồng đi làm trọn bổn phận của người Trai Thời Chiến lo bảo vệ quê hương dân tộc giống dòng. Nàng cố chứng tỏ rằng nàng có thể đảm đang và cáng đáng “việc nhà” thay chàng, để giúp chàng an tâm đi làm “việc nước.” Việc nước lúc này lại cũng thể hiện trách nhiệm của nàng, và nàng an phận thủ thường để lo gánh vác giang sơn nhà chồng, giúp chàng ra đi đánh giặc và nàng bồng con ngóng chồng với bao tháng năm thương nhớ… cho mãi ngàn năm!

 

Sự có mặt của đứa con trong Gia Đình Việt cũng nói lên tính cách trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc, khác biệt với cảnh hai vợ chồng son. Đứa con nơi đây, vừa là hình ảnh gia đình hạnh phúc, vừa là biểu hiệu vinh dự và trách nhiệm, cả về vật chất lẫn tinh thần, của những Người Vợ Việt được diễm phúc sinh dựng một con người mới cho xã hội loài người.

 

Với đứa con, tình yêu phối hợp giữa hai vợ chồng được sống thực và kết qủa. Trong đứa con, hai cuộc sống, hai tâm hồn, hai con người hòa hợp thành một sự sống tự tại. Nơi đứa con, tình yêu thể hiện hạnh phúc làm người, làm cha, làm mẹ của hai vợ chồng.

 

Với đời sống gia đình, chẳng những đứa con không là sự ngăn trở, mà còn tăng thêm sự liên kết của hai vợ chồng trong tình yêu, trong lứa đôi, trong đời sống cộng đồng nhân loại.

 

Chàng ra đi lo việc nước, và nàng ở nhà ẵm con chờ chồng về, đợi chờ mỏi mòn, từng ngày, từng tháng, từng đêm. Sự thiếu vắng chàng trong cuộc sống với bao nhớ thương khôn siết, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày bao người thân xung quanh. Tuy nhiên khi vắng chàng, thì hình bóng chàng vẫn luôn luôn hiện diện trong tâm tưởng, trong lời nói, trong đời sống hàng ngày của chính nàng và con nàng.

 

Nỗi niềm nhớ nhung, chẳng những nói lên tình yêu thương chung thủy mà còn bộc lộ đặc tính thiết yếu của tình vợ chồng, tình gia đình, tình con người. Tình vợ chồng chẳng những song hiệp

hai thể xác, hai tâm hồn, hai trái tim mà còn luôn luôn thể hiện “Cho Mãi Ngàn Năm” ngay trong cuộc sống thực tế từng ngày.

 

Và tình yêu chỉ thực sự bền vững khi con người có nhau từng ngày, chấp nhận với nhau từng ngày, chia sẻ cho nhau trong cuộc sống thực tế thực tại từng ngày. Chỉ khi hai người có nhau, tin tưởng và quyết tâm thể hiện tình yêu cho nhau, bất chấp thời gian, bất chấp hoàn cảnh thì khi đó tình yêu mới được trọn vẹn, đời sống vợ chồng mới thực sự hạnh phúc, gia đình xã hội mới hoàn hảo, tràn đầy và tăng triển.

 

Sự kiện nàng nhớ chàng từng ngày, vắng chàng từng ngày bởi người chồng biền biệt ra đi. Hai mẹ con giờ đây đã không còn an tâm vui sống khi vợ vắng chồng, con vắng cha. Cảnh mẹ góa con côi! Sự thiếu vắng này, chẳng những không suy giảm mà còn gia tăng nỗi nhớ thương theo ngày đêm, theo tháng năm, theo thời gian… Thương mãi ngàn năm!

 

Nàng thiếu chàng, nàng chờ chàng. Nhưng không chỉ chờ vì thương nhớ, mà còn chờ chàng sớm làm xong phần vụ việc nước. Trong khi thay chồng để làm việc nhà, nàng cũng tin chắc chàng đang cố gắng chu toàn công tác chung của cả hai người: Việc Nhà Việc Nước! Hình bóng chàng về trên con đường làng, không chỉ là hình bóng của người chồng thân yêu, mà còn đậm nét hiên ngang, oanh liệt, hào hùng của một Chàng Trai Việt trở về, sau khi chu toàn bổn phận công dân, bổn phận thanh niên, bổn phận làm người của mình, của gia đình đối với làng, với nước.

 

Tâm trạng và công việc của người ở nhà thực ra cũng chẳng phải nhẹ nhàng, dễ dàng hay an hưởng. Bởi chồng ra đi lo việc nước, vắng nhà thì người vợ phải tự lo liệu cho cuộc sống của chính nàng, của con nàng và gia đình nàng. Nếu như trước đây khi người chồng còn ở nhà, có nhiều việc nàng không động tay chân, không cần nghĩ tới, không quản lo liệu thì giờ đây một mình nàng phải cáng đáng tất cả mọi việc.

 

Trước đây chồng cày vợ cấy, thì bây giờ để một mình “em cày em cấy, mặc lòng em đây!” Công việc chẳng những vất vả nặng nhọc, mà còn buồn hiu quạnh quẽ, cô đơn vắng vẻ vì nhớ thương chồng.

 

Nỗi cô đơn ấy lại càng ngày càng tăng thêm gấp bội, khi nàng phải một mình chăm sóc con thơ. Chẳng những phải lo ăn mặc, lo thuốc men, lo học hành mà còn phải lo dạy dỗ và chỉ dẫn cho con nên người. Trước đây, nàng chỉ là bà mẹ hiền, thì bây giờ nàng phải gánh luôn vai trò của người cha nghiêm. Công việc, trách nhiệm, và nỗi cô đơn đang vây bọc tứ bề của người ở nhà.

 

Ngoài ra, nàng còn có trách nhiệm đối với đại gia đình. Dĩ nhiên, nàng cũng được họ hàng thân thích tiếp tay giúp đỡ. Nhưng không phải vì vậy mà nàng có thể quên phần vụ của mình trong đại gia đình, vì “lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.”

 

Người Vợ Việt đã ý thức rõ ràng về bổn phận của mỗi người, của chồng nàng, cũng như của chính nàng đối với việc chung “Việc Nhà Việc Nước.” Nàng cũng ý thức rằng trong thực tế, chàng có nhiều điều kiện hơn nàng để lo việc nước, cũng như nàng có nhiều điểm thuận lợi để lo việc nhà.

 

Vì vậy, thay vì mỗi người phải tự mình làm tròn nhiệm vụ vừa đối với nhà, vừa đối với nước, người phụ nữ Việt đã mạnh dạn thúc dục chồng ra đi lo việc nước, gánh thêm phần vụ việc chung của nàng, trong khi nàng khẳng khái đứng ra lãnh phần chu toàn việc nhà thay cho chàng.

 

Chàng đi lo việc nước, không phải chỉ vì đó là bổn phận người trai, mà còn vì chàng được nàng ủy thác. Cũng vậy, chàng ra đi không phải để trốn tránh việc nhà, mà vì có nàng gánh vác thay chàng. Bởi thế, mỗi người tùy theo cấu trúc và điều kiện thuận lợi riêng mà chu toàn công tác ứng hợp với khả năng của mình. Chính nhờ chia nhau công tác, nhờ phân công phân nhiệm theo chức năng nam nữ, mà Gia Đình Việt đã tạo ra đời sống bớt khó khăn, giảm nặng nhọc và thêm vui tươi, thêm trọn vẹn, thêm hạnh phúc.

 

Việc nhà việc nước, thì trong chàng có nàng và trong nàng có chàng – Thương hoài ngàn năm!

 

 

Hình: Phạm Văn Bản khóa 72-04 Sheppard AFB, Texas

 

Kết Luận. Trước những giờ phút khao khát chờ đợi Đêm Tổ Quốc Không Gian Hội Ngộ với giọng vút cao Gọi Anh Mùa Xuân” của Diễm Liên tái xuất trên Vùng Trời Kỷ Niệm ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ, một vùng đồi núi bạt ngàn với những rặng thông reo vi vu như cảnh cao nguyên quê quán Đà Lạt của cô bé năm xưa, chúng tôi dành để ít phút nhằm tỏ lòng cám ơn, ghi công và tôn vinh các Người Vợ Lính/ các người Vợ Tù Chính Trị/ các chị các em được biểu trưng qua nguyên lý thiết yếu và trường cửu của Cô Gái Việt: Cho Mãi Ngàn Năm.

 

Phạm Văn Bản

Lynnwood ngày 12 tháng 12 năm 202

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search