Thời Sự

Putin ra điều kiện ngừng bắn, Ukraine tìm kiếm sự ủng hộ

15/06/2024

   BBC News

Putin muốn Ukraine rút khỏi những vùng đã bị Nga sáp nhập

Vladimir Putin tuyên bố Ukraine cần phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố đã sáp nhập trước khi lệnh ngừng bắn có thể diễn ra - một đề xuất mà Tổng thống Ukraine gọi là "tối hậu thư" giống như của Hitler.

Ông Volodymyr Zelensky từ lâu đã tuyên bố Ukraine sẽ không đàm phán với Moscow cho đến khi quân đội Nga rời khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Tổng thống Nga cho biết Ukraine cũng phải từ bỏ việc gia nhập NATO trước khi các cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu.

Tuyên bố của Putin về điều kiện ngừng bắn được đưa ra khi các nhà lãnh đạo từ 90 quốc gia chuẩn bị gặp gỡ ở Thụy Sĩ vào hôm nay 15/6 để thảo luận về con đường hướng tới hòa bình ở Ukraine - một hội nghị thượng đỉnh mà Nga chưa được mời tham dự.

Phát biểu tại cuộc họp với các đại sứ Nga tại Moscow hôm 14/6, Putin kêu gọi lực lượng Ukraine rút khỏi bốn khu vực do Nga chiếm đóng một phần - Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết Ukraine cần phải chính thức từ bỏ nỗ lực gia nhập liên minh quân sự NATO để ngăn chặn bước tiến của Nga.

"Ngay sau khi Kyiv tuyên bố sẵn sàng cho một quyết định như vậy... lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán sẽ ngay lập tức được đưa ra từ phía chúng tôi, theo đúng nghĩa đen là vào cùng một phút,” Putin phát biểu.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak gọi đề xuất này là "hoàn toàn giả tạo" và "xúc phạm đạo lý".

Sau đó cũng trong ngày 14/6, Tổng thống Zelensky nói với đài truyền hình Sky TG24 của Ý: "Những lời này là tối hậu thư. Hitler cũng đã làm điều tương tự khi nói 'hãy cho tôi một phần của Tiệp Khắc và mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây'."

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bác bỏ yêu cầu của Nga, nói rằng: "Putin đã chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine.

“Ông ta không thể ra lệnh cho Ukraine làm gì để mang lại hòa bình.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đề xuất của Putin "không được đưa ra một cách thiện chí".

Hàng chục nhà lãnh đạo thế giới sẽ có mặt tại hội nghị ở Thụy Sĩ

Hàng chục nhà lãnh đạo thế giới sẽ có mặt tại hội nghị ở Thụy Sĩ

Nhà phân tích người Nga Tatiana Stanovaya cho biết kế hoạch của Putin là một loạt các yêu cầu "tối đa" mà không đưa ra nhượng bộ nào, nhằm triệt hạ uy tín hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ trước khi sự kiện bắt đầu.

Ông Zelensky sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Lucerne hôm 15/6, nơi tổng thống Ukraine hy vọng chứng tỏ rằng ông vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là "cung cấp một diễn đàn nơi các nhà lãnh đạo quốc tế thảo luận về con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Danh sách tham dự sẽ bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Nga không được mời và Trung Quốc cho biết họ sẽ không tham dự nếu không có sự hiện diện của Nga.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo G7 đồng ý sử dụng tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài của Moscow để giúp Kyiv chống lại quân đội Nga xâm lược.

Khoảng 325 tỷ USD tài sản Nga đã bị các nước G7, cùng với EU, đóng băng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022. Khối tài sản này đang sinh tiền lãi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm.

Theo kế hoạch của G7, 3 tỷ USD đó sẽ được sử dụng để trả lãi hằng năm cho khoản vay 50 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.

Số tiền này dự kiến phải đến cuối năm nay mới được chuyển nhưng được coi là giải pháp lâu dài để hỗ trợ cuộc chiến và nền kinh tế của Ukraine.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G7, Mỹ và Ukraine cũng ký thỏa thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm, được Kyiv ca ngợi là "lịch sử".

Ukraine tìm kiếm sự ủng hộ tại hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ

Ukraine đã ca ngợi những nước tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ và coi đó là một cử chỉ ủng hộ. Đối với họ, hội nghị lớn này sẽ chứng minh cho Moscow thấy rằng thế giới đứng về phía Ukraine và luật pháp quốc tế.

Hội nghị diễn ra vào một thời điểm khó khăn.

Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mới ở vùng đông bắc, gần Kharkiv, và tên lửa Nga đang liên tục tấn công các ngôi nhà và nhà máy điện trên khắp Ukraine.

“Điều quan trọng là phải thiết lập một khuôn khổ chính trị và pháp lý cho hòa bình trong tương lai. Để chứng tỏ rằng hòa bình chỉ có thể đạt được trong công thức hòa bình gồm 10 điểm của ông Zelensky,” nghị sĩ Ukraine Oleksandr Merezhko nói, nhấn mạnh rằng trong đó bao gồm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chủ quyền của nước này.

Ông đang đề cập đến một công thức hòa bình được tổng thống Ukraine đưa ra vào cuối năm 2022, trong đó nhất quyết buộc Nga phải trả lại toàn bộ đất đai bị chiếm đóng.

10 điểm đó bao gồm:

  • An toàn bức xạ và hạt nhân, tập trung vào việc khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát.
  • An ninh lương thực, bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.
  • An ninh năng lượng, tập trung vào kiểm soát giá đối với các nguồn năng lượng từ Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng điện, một nửa trong số đó đã bị hư hại do các cuộc tập kích của Nga.
  • Trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị trục xuất sang Nga.
  • Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga phải tái khẳng định điều đó theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.
  • Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga.
  • Công lý, bao gồm cả việc lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh.
  • Bảo vệ môi trường, tập trung vào rà phá bom mìn và khôi phục các cơ sở xử lý nước.
  • Ngăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine.
  • Xác nhận chiến sự kết thúc, gồm văn bản có chữ ký của các bên tham gia.
Ông Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm của Kyiv vào cuối năm 2022

Ông Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình 10 điểm của Kyiv vào cuối năm 2022

Ukraine hiện muốn tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt để ủng hộ công thức của mình, gây "áp lực tâm lý" buộc Nga phải chấp nhận những điều khoản trên, nếu mọi chuyện đi đến giai đoạn đó.

Còn ở hiện tại, điều này có vẻ khó xảy ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không đích thân đến dự, một quyết định khiến ông Zelensky không vui.

Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc đều vắng mặt hoặc cử đại diện cấp thấp tham dự.

Cuộc họp bên hồ Lucerne sẽ tập trung vào ba điểm ít gây tranh cãi nhất trong công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky: các vấn đề về an ninh hạt nhân, đưa ngũ cốc ra thế giới và đưa trẻ em và tù nhân Ukraine bị bắt cóc về nước.

Những gì xa hơn mức đó khó có thể mang lại hiệu quả.

 

 

© 2001 by Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam. All Rights Reserved.Chính Việt xin đón nhận mọi ý kiến xây dựng và bài vở, xin email về baochinhviet@gmail.com

Search